Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Vàng da sơ sinh là tình trạng thường xảy ra trong tháng đầu đời ở khoảng 25 - 30% đối với trẻ đủ tháng và thường gặp nhiều ở trẻ sinh non. Vàng da sơ sinh ở mức độ nhẹ được xem là vàng da sinh lý, nhưng cũng có thể tiến triển nặng hơn thành vàng da bệnh lý. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, vàng da bệnh lý có thể gây ra những biến chứng nặng nề.
 
Hãy cùng Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tìm hiểu ngay thông tin dưới đây Bố Mẹ nhé!
 
Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh
Lượng bilirubin dư thừa trong máu là nguyên nhân chính gây vàng da ở trẻ sơ sinh - bilirubin là một trong những sản phẩm phụ được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ để thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Thông thường, gan sẽ chịu trách nhiệm lọc bilirubin từ máu và giải phóng qua đường ruột.
 
Ở hầu hết trẻ sơ sinh, lượng bilirubin được sản xuất nhiều hơn người trưởng thành trong những ngày đầu đời dẫn đến tình trạng vàng da sinh lý tự nhiên và thường tự biến mất trong vòng hai tuần. 

Yếu tố nguy cơ gây vàng da
Tình trạng vàng da thường xảy ra ở những trẻ với các yếu tố nguy cơ như:
  • Trẻ sinh non: do quá trình chuyển hóa bilirubin chậm hơn trẻ đủ tháng. Trẻ sinh non cũng có thể bú ít hơn và đi tiêu ít hơn, dẫn đến việc loại bỏ ít bilirubin qua phân.
  • Trẻ không bú đủ sữa mẹ hoặc dùng sữa công thức.
  • Trẻ có nhóm máu không tương thích với nhóm máu của mẹ: tạo ra sự tích tụ các kháng thể có thể phá hủy các tế bào hồng cầu ở trẻ và làm gia tăng đột ngột nồng độ bilirubin.

Nhận biết vàng da ở trẻ sơ sinh
Dấu hiệu vàng da đầu tiên xuất hiện ở vùng da và mắt của bé. Tình trạng vàng da có thể bắt đầu trong vòng 2 đến 4 ngày sau sinh và có thể bắt đầu ở mặt trước khi lan xuống khắp cơ thể, màu vàng cũng dễ nhận biết hơn khi ấn lên da. Mức độ bilirubin thường đạt đỉnh trong khoảng từ 3 đến 7 ngày sau khi sinh.

Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Nồng độ bilirubin cao sẽ gây vàng da nghiêm trọng và nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
  • Bệnh não do bilirubin cấp tính: Bilirubin là chất gây độc cho tế bào não. Trường hợp vàng da nặng có thể gây nhiễm bilirubin vào não gọi là bệnh não cấp tính bilirubin, tuy nhiên việc điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa đáng kể các biến chứng sau này. Các dấu hiệu của bệnh não cấp tính do bilirubin ở trẻ bị vàng da bao gồm li bì, khó đánh thức, khóc thét, lười bú, sốt.
  • Kernicterus (vàng da nhân): Kernicterus là hội chứng xảy ra nếu bệnh não cấp tính do bilirubin gây tổn thương vĩnh viễn cho não. Kernicterus có thể dẫn đến bại não, mất thính lực, suy giảm trí tuệ.
 
Một số lưu ý cho mẹ
Ở trẻ sinh non, tình trạng vàng da có thể xuất hiện sớm hơn và kéo dài hơn so với trẻ đủ tháng. Một trong những cách phòng ngừa vàng da nặng ở trẻ sơ sinh là cho trẻ bú đầy đủ. Trẻ sơ sinh cần được bú 8 - 12 lần mỗi ngày trong tháng đầu đời.

Bên cạnh đó, mẹ cần theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu của vàng da nặng như li bì, bỏ bú, khóc thét, sốt, co giật và liên hệ ngay cơ sở y tế để bác sĩ có phương pháp điều trị kịp thời.