Chỉ khi làm mẹ mới thấu hiểu rằng hành trình này chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt đối với mẹ bầu có thai kỳ nguy cơ cao. Do đó, việc tìm hiểu và nắm bắt các thông tin hữu ích nhằm duy trì một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ lẫn bé luôn là vấn đề cần thiết.
Trong giai đoạn mang thai, nếu mẹ bầu nào đang trải qua một thai kỳ nguy cơ cao, đồng nghĩa với việc mẹ, thiên thần nhỏ hoặc cả hai có nhiều khả năng sẽ gặp phải các vấn đề sức khỏe nguy hiểm trước, trong hoặc sau khi sinh.
Thai kỳ nguy cơ cao là thai kỳ liên quan đến tình trạng sức khỏe mà mẹ gặp phải trước khi mang thai. Trong một vài trường hợp, tình trạng bệnh có thể phát sinh bất thường trong thai kỳ hiện tại.
Một số yếu tố dẫn đến tình trạng thai kỳ nguy cơ cao bao gồm:
-Độ tuổi: Tuổi của mẹ có thể ảnh hưởng đến khả năng thai kỳ nguy cơ cao, đặc biệt nguy cơ sẽ cao hơn đối với các bà mẹ lớn hơn 35 tuổi.
-Lối sống không lành mạnh: hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng ma túy,…
-Sử dụng thuốc không rõ loại trong thời gian mang thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ, làm việc trong môi trường độc chất hoặc tiếp xúc với độc chất, tia X…
-Tiền sử bệnh lý: Tăng huyết áp mạn tính; đái tháo đường; bệnh lý tim; các vấn đề về hô hấp như hen suyễn; nhiễm trùng và rối loạn đông máu như huyết khối tĩnh mạch sâu.
-Tiền sử phẫu thuật: Phẫu thuật lấy thai, phẫu thuật khối u ở tử cung, các phẫu thuật ở ổ bụng.
-Biến chứng thai kỳ: các bất thường xuất hiện trong thai kỳ có thể gây ra rủi ro, chẳng hạn như vị trí nhau thai bất thường, tình trạng tăng trưởng của thai nhi phát triển chậm hơn so với tuổi thai và hiện tượng bất đồng nhóm máu Rh (rhesus) – một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra khi nhóm máu của mẹ là Rh âm và nhóm máu của bé yêu là Rh dương.
-Đa thai: Thai kỳ nguy cơ cao có thể xảy ra cao hơn đối với phụ nữ mang song thai hoặc từ ba thai trở lên.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, những gì mẹ cần thực hiện rất đơn giản:
-Hãy sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ chuyên khoa nếu mẹ đang có ý định mang thai để có thể được tư vấn chi tiết, trao đổi cũng như nhận được các lời khuyên hữu ích.
-Trong lần khám đầu tiên, hãy thành thật với bác sĩ về tất cả các vấn đề sức khỏe hiện tại, các loại thuốc đang dùng và khó khăn đang gặp phải của mẹ.
-Thăm khám định kỳ và tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc tiền sản thường xuyên từ các chuyên gia y tế.
-Một chế độ ăn uống cân bằng và phù hợp.
-Tăng cân hợp lý.
-Bỏ ngay các thói quen không lành mạnh như thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích,…
Nếu mẹ nghi ngờ hoặc không may bị chẩn đoán thai kỳ của mẹ có nguy cơ cao, mẹ có thể tham khảo các xét nghiệm khác, bên cạnh các xét nghiệm sàng lọc định kỳ trước khi sinh nhưng mẹ nên nhớ là chỉ được thực hiện dưới sự đồng ý và chỉ định của bác sĩ nhé!