Viêm dạ dày – tá tràng là một trong những bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp nhất. Một số bệnh nhân bị viêm dạ dày tái đi tái lại nhiều lần do không nhận được tư vấn kỹ từ bác sĩ dẫn đến không có đủ nhận thức về bệnh để có thể điều trị dứt điểm.
Viêm dạ dày – tá tràng là gì?
Viêm dạ dày – tá tràng là tình trạng tổn thương viêm, loét niêm mạc của dạ dày và một đoạn ruột non gần dạ dày. Bệnh có nhiều mức độ tổn thương khác nhau, từ cấp tính đến mạn tính và nhiều biểu hiện lâm sàng từ triệu chứng rầm rộ đến diễn tiến âm thầm dai dẳng với các triệu chứng nghèo nàn.
Nguyên nhân viêm dạ dày
Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra viêm dạ dày:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Đây là yếu tố hàng đầu gây viêm dạ dày hiện nay được ghi nhận ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Vi khuẩn này lây chủ yếu qua đường ăn uống chung với người nhiễm HP. Kết quả nghiên cứu ghi nhận, 70% người Việt bị nhiễm vi khuẩn HP.
- Sử dụng kéo dài các thuốc kháng viêm non-steroid: Các thuốc kháng viêm gồm nhiều nhóm khác nhau và được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm ở nhiều bệnh. Thuốc có chức năng làm giảm các triệu chứng viêm như: sưng nóng, đỏ, đau và phục hồi chức năng vùng bị tổn thương.
- Sinh hoạt, ăn uống thất thường: Thói quen này thường gặp ở người trẻ khi làm việc căng thẳng, muốn giảm cân, thích nhậu nhẹt, sử dụng thức uống có cồn…
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác gây viêm dạ dày như: dị ứng thực phẩm, dùng thuốc điều trị bệnh kéo dài, một số bệnh tự miễn có thể gây ra viêm dạ dày.
Triệu chứng viêm dạ dày
Viêm dạ dày có nhiều dấu hiệu khác nhau, tùy vào cấp độ nặng nhẹ sẽ có những triệu chứng khác nhau. Dưới đây là những triệu chứng của viêm dạ dày mà người bệnh cần chú ý để có thể nhận biết điều trị sớm:
- Cảm giác đầy và tức bụng, chán ăn, không muốn ăn.
- Biểu hiện ợ hơi, ợ chua, ngăn ngực khó thở.
- Nóng rát, đau dọc sau xương ức.
- Buồn nôn, ói, nhất là sau các bữa ăn.
- Đau bụng, có thể đau âm ỉ, quặn bụng.
- Gây nhói sau lưng.
- Có thể gây rối loạn đại tiện: đi cầu nhiều lần, đi lỏng.
Khi viêm dạ dày chuyển sang mạn tính (viêm dạ dày kéo dài), người bệnh sẽ có những biểu hiện như: thiếu máu, sụt cân, một số người có cảm giác bụng cồn cào nên muốn ăn liên tục dẫn đến tăng cân. Nguy hiểm nhất là những trường hợp viêm dạ dày nặng gây loét, chảy máu trong dạ dày, với các dấu hiệu như: ói ra dịch máu, ói ra dịch đen, đi cầu phân đen, đi cầu ra máu.
Biến chứng thường gặp của viêm dạ dày - tá tràng
- Xuất huyết dạ dày: Xuất huyết dạ dày hay còn được gọi là chảy máu dạ dày là một trong những hệ quả của viêm loét dạ dày cấp tính, mạn tính và một số bệnh lý khác gây nên.
- Thủng dạ dày: Thủng dạ dày là một biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng gây nên. Những vết loét trong niêm mạc dạ dày càng sâu khiến cho thành dạ dày ngày càng mỏng đi. Khi ổ loét đã ăn hết thành dạ dày tá tràng sẽ gây thủng dạ dày đi kèm với xuất huyết dạ dày.
- Hẹp môn vị dạ dày: Môn vị là một van đóng, mở giữa dạ dày và tá tràng. Hẹp môn vị là tình trạng viêm nhiễm và phù nề ở niêm mạc dạ dày gây chít hẹp lòng tá tràng, môn vị.
- Ung thư dạ dày: Ung thư dạ dày là biến chứng nguy hiểm nhất trong những bệnh lý về dạ dày, thường xảy ra ở người bị viêm loét dạ dày mạn tính kèm theo tiền sử nhiễm HP, gia đình có người ruột thịt bị ung thư, người có thói quen ăn mặn và hút thuốc lá nhiều.
Chẩn đoán viêm dạ dày
Để phát hiện viêm dạ dày, bệnh nhân có thể được chẩn đoán thông qua bệnh sử (biểu hiện bệnh, diễn biến bệnh), thăm khám lâm sàng (bác sĩ khám bụng, xác định kiểu đau, vị trí đau), xét nghiệm máu tìm các vi khuẩn HP và đánh giá tình trạng thiếu máu của bệnh nhân. Hiện nay, chẩn đoán chính xác và đặc hiệu nhất của viêm dạ dày là nội soi dạ dày. Đây cũng là cách xét nghiệm hữu hiệu tìm vi khuẩn HP trong dạ dày và tầm soát ung thư dạ dày.
Tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), chẩn đoán viêm dạ dày được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi dạ dày không đau với mỗi ca nội soi kéo dài từ 15 – 20 phút (nội soi thông thường khoảng 3 – 5 phút) nhằm mục đích đánh giá kĩ sang thương, sàng lọc những sang thương có nguy cơ cao dẫn đến ung thư và tầm soát cả ung thư dạ dày. Đặc biệt, tất cả ống nội soi, dây soi… phục vụ nội soi dạ dày tại AIH đều được xử lý, khử trùng bằng máy tự động theo đúng tiêu chuẩn Mỹ trong 45 phút trước khi dùng cho người bệnh.
Điều trị viêm dạ dày
Để điều trị viêm dạ dày, người bệnh cần kiểm soát và loại bỏ được các nguyên nhân gây ra viêm dạ dày. Bệnh nhân có thể được cho uống các loại thuốc giảm tiết acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày. Một số trường hợp viêm dạ dày cấp gây đau và nôn nói nhiều, bác sĩ sẽ cho sử dụng thêm các loại thuốc điều trị triệu chứng, giảm cảm giác khó chịu.
Bên cạnh đó, các biện pháp điều trị tâm lý như liệu pháp giảm stress, thay đổi và cân bằng lại lối sống sinh hoạt hàng ngày như tập thói quen ăn uống điều độ, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế uống rượu bia… là rất quan trọng đối với người bệnh trong quá trình điều trị viêm dạ dày.
Về chế độ ăn uống, trong lúc đang bị bệnh, người bệnh cần hạn chế dùng các chất kích thích như cà phê, hạn chế ăn đồ chua, cay, các nước uống có gas, giảm ăn đồ chiên, nướng, cứng, khô, thức ăn nhanh... gây khó tiêu.
Bệnh viêm dạ dày trị khó hết?
Bản thân bệnh viêm dạ dày có thể được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị viêm dạ dày tái đi tái lại sau điều trị do bác sĩ không đủ thời gian tư vấn kỹ để bệnh nhân hiểu rõ bản chất của bệnh viêm dạ dày, dẫn đến người bệnh chủ quan, không có đủ nhận thức về bệnh, không thay đổi lối sống để kiểm soát được nguyên nhân gây bệnh.
Ngoài ra, một số người bệnh không thể thay đổi được các yếu tố nguy cơ của viêm dạ dày như: do đang mắc bệnh khác phải uống thuốc liên tục hay bản chất công việc làm trong môi trường căng thẳng, thức khuya dậy sớm… nên dễ bị viêm dạ dày trở lại.
BS. Tô Văn Quyền, Bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)