Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ ngày (khoảng 1 muỗng cà phê). Thế nhưng, người Việt Nam lại có mức tiêu thụ muối trung bình lên tới 6 - 8g/ ngày hoặc hơn, bởi thói quen dùng nước chấm hoặc dùng muối và các loại gia vị khác. Đây cũng là nguy cơ gây ra bệnh tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch khác.
Để tránh ăn quá mặn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nhưng vẫn đảm bảo được bữa ăn ngon miệng và cung cấp đủ muối, natri cần thiết cho cơ thể, hãy cùng Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tham khảo một số cách đơn giản sau đây nhé:
Đọc kĩ nhãn mác sản phẩm
Khi đi mua sắm thực phẩm, bạn cần đọc kĩ nhãn mác để nắm được thông tin các thành phần có trong đó. Hãy tránh các sản phẩm có hàm lượng natri quá cao và thay thế bằng các loại thực phẩm có hàm lượng natri thấp hơn. Cách đơn giản nhất là đối với các nhãn thực phẩm thể hiện thông tin dinh dưỡng bằng màu sác thì bạn nên chọn thực phẩm nào có nhãn phần Natri màu xanh lá (nghĩa là lượng Natri ở mức thấp, ít hơn 300 mg/100g thực phẩm)
Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp và đông lạnh.
Thực phẩm đóng hộp và đồ ăn đông lạnh đều chứa lượng muối rất cao để có thể bảo quản trong thời gian dài và duy trì hương vị. Hơn nữa các thực phẩm này còn bổ sung thêm chất bảo quản và các phụ gia thực phẩm khác có chứa gốc Natri. Do đó, hãy dành thời gian tự chế biến các bữa ăn từ thực phẩm tươi sống để đảm bảo sức khỏe cho bạn và cả gia đình.
Giảm dần lượng tiêu thụ
Nếu bạn là người thích ăn mặn, việc cắt giảm lượng muối lúc đầu sẽ rất khó khăn. Vì vậy, hãy thử cắt bớt một nửa lượng muối của thực phẩm trước tiên rồi điều chỉnh dần trước khi cắt giảm nhiều hơn nữa để vị giác của bạn quen dần với hương vị mới. Giảm lượng nước chấm hàng ngày và thay thế bằng loại nước chấm giảm muối.
Đề xuất giảm gia vị với nhà hàng
Thức ăn tại nhà hàng luôn có xu hướng cho thêm nhiều muối hơn so với thức ăn chế biến tại nhà. Vì vậy, hãy hỏi nhà hàng về lượng muối thêm vào thực phẩm và đề xuất cắt giảm lượng muối trong phần ăn của bạn.
Sử dụng các hương liệu không chứa muối
Muối là một loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn. Tuy nhiên, bạn có thể tăng cường sử dụng các loại gia vị khác như thảo mộc tươi, nước cam quýt hoặc nguyên liệu tạo mùi thơm như gừng hoặc tỏi để tạo hương vị thơm ngon hơn đồng thời hạn chế lượng muối tiêu thụ.
Áp dụng chế độ ăn ít natri
Nếu bạn đang tìm kiếm một chế độ ăn ít natri, chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension - chế độ ăn ngăn ngừa tăng huyết áp) sẽ là một lựa chọn tốt. Ngoài việc giảm muối, chế độ ăn này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các loại thực phẩm như trái cây tươi, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo vì chúng giàu kali, magie và canxi – những khoáng chất có thể giúp hạ huyết áp tốt hơn.
Với những phương pháp trên, hãy xây dựng một chế độ ăn với liều lượng muối thích hợp để giúp bạn và gia đình nâng cao sức khỏe cũng như phòng tránh các bệnh lý liên quan nhé!
Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) với đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm sẽ tiến hành phân tích chế độ ăn và sinh hoạt hiện tại của bạn để đưa ra kế hoạch can thiệp dinh dưỡng hợp lý cho từng trường hợp riêng biệt.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH):
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.