Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

Muối có phải là thủ phạm duy nhất gây cao huyết áp?

Theo thống kế của Tổ chức Y tế thế giới, tim mạch là bệnh có tỉ lệ tử vong hàng đầu thế giới. Để ổn định huyết áp, mọi người thường nghĩ ngay tới việc giảm muối nhưng không chú ý tới các thực phẩm khác cũng ảnh hưởng đến huyết áp.

Muối có phải là nguyên nhân duy nhất gây cao huyết áp?

Xét về cơ chế, bên trong muối ăn, thành phần có tác động chủ yếu tới huyết áp chính là nguyên tố Natri. Natri không chỉ có trong muối ăn mà còn có trong các thực phẩm tự nhiên (như thịt, cá, sữa, rau củ), các loại gia vị, chất phụ gia khác. Tiêu thụ quá nhiều sản phẩm chứa Natri sẽ làm tăng thể tích máu trong mao mạch và làm tăng huyết áp.

Hàm lượng Natri trong các thực phẩm tự nhiên thường thấp. Hơn nữa, việc đảm bảo một chế độ ăn lành mạnh đòi hỏi cần ăn đầy đủ, cân bằng và đa dạng các loại thực phẩm, do đó việc hạn chế các thực phẩm tự nhiên là không cần thiết nếu bạn không phải áp dụng một chế độ ăn kiêng Natri nghiêm ngặt. Chính vì vậy, để có một trái tim khỏe mạnh, thay vì quan tâm đến lượng Natri có trong các thực phẩm tự nhiên, chúng ta cần giảm nguồn Natri từ các loại gia vị và chất phụ gia thêm vào thực phẩm.

Ngoài muối ăn, các chất phụ gia và gia vị nêm nếm cũng chứa lượng Natri đáng kể

Ngoài muối ăn đóng góp một phần đáng kể vào lượng Natri mà cơ thể hấp thu, các chất phụ gia dùng để bảo quản hoặc ổn định thực phẩm và các loại gia vị nêm nếm cũng chứa một lượng Natri đáng kể. Bảng dưới đây cung cấp thông tin về hàm lượng Natri và khuyến nghị tối đa của các gia vị sử dụng phổ biến trong chế độ ăn của người Việt Nam.

Gia vị

Hàm lượng Na
(mg/100 g)

Khuyến nghị tối đa/ngày*

Bột ngọt (tên gọi khác: mì chính, MSG, monosodium glutamate)

Mã chất phụ gia: E621

12500

16 g = 3 muỗng cà phê

Bột nêm

19333

10 g = 2 muỗng cà phê

Muối ăn

38000

5 g = 1 muỗng cà phê

Nước tương

5637

35 g = 2.5 muỗng ăn

Nước mắm

7720

25 g = 1.5 muỗng ăn

* Lưu ý:

  • Lượng khuyến nghị được dựa theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với mức tối đa 2000 mg Natri/ngày cho hầu hết các đối tượng, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt cần áp dụng chế độ kiêng sodium nghiêm ngặt.
  • Lượng khuyến nghị tối đa bên trên áp dụng khi bạn chỉ dùng một chất gia vị/phụ gia trong suốt cả ngày. Trong trường hợp bạn kết hợp nhiều loại gia vị khác nhau, thì tổng định lượng Natri tối đa cần bảo đảm không vượt quá 2000 mg Natri/ngày.

Các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều các chất phụ gia

Ngoài ra bạn cần chú ý đến các thực phẩm chế biến sẵn có nhiều các chất trên như:

- Thực phẩm chế biến sẵn ít mặn nhưng lại có bổ sung chất bảo quản hoặc bột ngọt: đồ ăn đóng hộp, thực phẩm ngâm chua
- Các loại thịt nguội: thịt xông khói, thịt muối
- Mì gói
- Bánh snack (bim bim)
- Các loại sốt chế biến sẵn
- Phô mai
- Cá khô
- Các loại đậu hạt rang muối.

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam tiêu thụ lượng Natri gấp 2-3 lần khuyến nghị. Do đó, bạn nên:

- Giảm lượng muối và gia vị nêm nếm từ trong mỗi bữa ăn
- Tập thói quen không chấm thêm bất kỳ loại nước chấm gì trong bữa ăn
- Thay thế muối thông thường bằng muối giảm Na
- Thay thế nước chấm thông thường bằng loại giảm muối.

Thực hiện các điều trên sẽ tập cho khẩu vị của bạn quen dần với việc ăn nhạt mà không ảnh hưởng quá nhiều tới sở thích/thói quen ăn uống. Điều này giúp bạn kiểm soát được lượng Natri hấp thu vào cơ thể và duy trì một trái tim khỏe mạnh.

ThS. Trần Thị Ngọc Châu
Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Mỹ