Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

KHÁM PHÁ 7 PHẢN XẠ ĐẦU ĐỜI CỦA TRẺ SƠ SINH

Mặc dù trẻ sơ sinh thường dành khoảng 16 giờ mỗi ngày để ngủ, nhưng khi thức, trẻ cũng rất bận rộn phản xạ với tác động xung quanh lắm ba mẹ nha. Phần lớn các chuyển động và hoạt động của trẻ sơ sinh là phản xạ hoặc không tự nguyện - em bé của bạn không cố tình thực hiện các chuyển động này. Các phản xạ phổ biến ở trẻ sơ sinh bao gồm:
 
1. Phản xạ tìm kiếm: Phản xạ này xảy ra khi khóe miệng trẻ được vuốt ve hoặc chạm vào, trẻ sẽ quay đầu và mở miệng theo hướng được vuốt ve. Phản xạ này giúp bé tìm vú mẹ hoặc bình sữa.
 
2. Phản xạ mút: Khi vòm miệng trẻ được chạm vào vú mẹ hoặc núm vú giả, trẻ sẽ mút ngay. Phản xạ này bắt đầu vào khoảng tuần thứ 32 của thai kỳ và phát triển chưa đầy đủ cho đến khoảng 36 tuần. Trẻ sinh non có thể có khả năng mút yếu hơn, vì trẻ được sinh ra trước khi phản xạ này phát triển. Ngoài ra, trẻ cũng có phản xạ đưa tay lên miệng mút ngón tay hoặc cả bàn tay.
 
3. Phản xạ Moro (phản xạ giật mình): Phản xạ thường xảy ra khi trẻ giật mình vì âm thanh lớn hoặc có chuyển động mạnh. Để phản ứng lại âm thanh, trẻ có thể dang tay và chân ra khỏi người, khóc, nhưng ngay sau đó, trẻ sẽ thu tay lại như thể đang ôm lấy mình. Đôi khi, tiếng khóc của chính trẻ làm trẻ giật mình và bắt đầu phản xạ này. Phản xạ Moro kéo dài cho đến khi trẻ được khoảng 5 - 6 tháng tuổi.
 
4. Phản xạ phòng vệ (phản xạ cổ không đối xứng): Khi đầu của trẻ quay sang một bên, cánh tay bên phía đó duỗi thẳng và khuỷu tay đối diện gập lại tạo tư thế như đấu kiếm. Phản xạ kéo dài cho đến khi trẻ được khoảng 6 - 7 tháng tuổi.
 
5. Phản xạ cầm nắm: Khi ba mẹ vuốt ve lòng bàn tay trẻ, trẻ sẽ khép ngón tay lại. Phản xạ nắm bắt chỉ kéo dài một vài tháng và mạnh hơn ở trẻ sinh non.
 
6. Phản xạ Babinski (Phản xạ của các ngón chân): Với phản xạ Babinski, khi lòng bàn chân trẻ được vuốt mạnh, ngón chân cái uốn cong lên trên và các ngón chân khác quạt ra. Đây là một phản xạ bình thường cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
 
7. Phản xạ bước: Phản xạ này còn được gọi là phản xạ đi bộ hoặc khiêu vũ vì trẻ dường như thực hiện các bước đi hay nhảy khi được giữ thẳng đứng với đôi chân chạm vào một bề mặt rắn.
 
Khi hệ thống thần kinh trẻ bắt đầu phát triển, những phản xạ này sẽ nhường chỗ cho những hành vi có mục đích khác. Tuy nhiên, nếu ba mẹ không thấy trẻ có những phản xạ thông thường trên thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để theo dõi những bất thường sớm và điều trị kịp thời.