SỐT Ở TRẺ EM CÓ THẬT SỰ ĐÁNG LO
Thông thường, nhiệt độ của cơ thể chúng ta sẽ có sự tăng giảm trong ngày: thường thấp hơn vào buổi sáng, cao hơn vào buổi tối và có thể thay đổi khi trẻ có hoạt động chạy nhảy hoặc tập thể dục. Sốt là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em, khi nhiệt độ cơ thể vượt quá mức 100,4ºF (38ºC).
Điều quan trọng cần nhớ là sốt không phải là bệnh - thường là dấu hiệu hoặc triệu chứng của một vấn đề khác như:
-
Nhiễm trùng: sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng bằng cách kích thích các cơ chế bảo vệ tự nhiên.
-
Mặc quá nhiều quần áo: trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có thể bị sốt nếu mặc quá dày hoặc ở trong môi trường nóng vì trẻ không điều chỉnh nhiệt độ cơ thể như người lớn.
-
Chích ngừa: trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đôi khi sẽ bị sốt nhẹ sau khi tiêm vaccine.
-
Mọc răng: dù có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ, nhưng sẽ không cao hơn 100°F (37,8°C).
Sốt là phản ứng có lợi chống lại sự phát triển của vi khuẩn cũng như những tác nhân gây bệnh khác, tuy nhiên sốt cao có thể gây co giật ở trẻ. Bố mẹ có thể đo được các kết quả khác nhau một chút, tùy thuộc vào nơi đo nhiệt độ của con trẻ như miệng, nách, tai, trán hoặc trực tràng. Trong đó, nhiệt độ đo ở nách, tai và trán dù thuận tiện hơn nhưng lại kém chính xác hơn đo tại miệng và trực tràng của trẻ. Khi sốt, nhiệt độ cơ thể trẻ đo được sẽ bằng hoặc trên mức sau:
-
Đo ở miệng (trong miệng): 100 độ F (37,8 độ C)
-
Đo ở trực tràng (hậu môn): 100,4 độ F (38 độ C)
-
Đo ở vị trí nách (dưới cánh tay): 99 độ F (37,2 độ C)
Tất cả trẻ em đều bị sốt và trong hầu hết các trường hợp trẻ sẽ hoàn toàn trở lại bình thường trong vài ngày. Ngoài sốt ra, bố mẹ có thể quan sát xem trẻ có những biểu hiện gì khác để tìm nguyên nhân và có xu hướng xử trí phù hợp. Nhưng nếu trẻ khiến bố mẹ lo lắng bởi các biểu hiện bất thường dù không sốt, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời nhé.