Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

ĐAU CỔ VAI GÁY – “CĂN BỆNH” CỦA XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

Đau cổ vai gáy là tình trạng phổ biến trong xã hội hiện đại, có thể gặp ở nhiều đối tượng với nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Đau cổ vai gáy ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, thậm chí có thể dẫn đến đau mãn tính nếu không được xử lý và điều trị kịp thời.

► Nguyên nhân gây ra tình trạng đau cổ vai gáy

Đau cổ vai gáy có thể do căng cơ hoặc chấn thương. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng đau cổ vai gáy:

1. Nguyên nhân cơ học

Nguyên nhân thường gặp nhất gây đau cổ vai gáy là căng cơ do làm việc quá sức, công việc lặp đi lặp lại hoặc sau khi vận động thể thao. Ngồi lâu, sai tư thế hoặc ngủ ở tư thế cổ không thoải mái trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến căng cơ và dây chằng ở cổ và vai.

Các chấn thương mô mềm, bao gồm cơ, gân và dây chằng có thể làm cứng cổ, đau đầu, co thắt cơ gây nên tình trạng đau mỏi cổ vai gáy.

2. Nguyên nhân bệnh lý

Bên cạnh các nguyên nhân cơ học, đau vai gáy còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn như:
 
  • Thoái hóa đốt sống cổ: xảy ra tương đối phổ biến ở nhóm tuổi từ 60 trở lên do tình trạng thoái hóa các đĩa đệm và khớp cổ.
  • Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai: gây ra do chấn thương khớp vai dẫn tới phản ứng viêm và phù nề.
  • Đau rễ thần kinh cổ: khi cột sống bị lão hóa hoặc chấn thương gây viêm và chèn ép lên rễ thần kinh cột sống, cơn đau có thể lan ra từ cổ đến các vùng khác như cánh tay, ngực, lưng trên, vai.
  • Bệnh động mạch vành: đau cổ vai gáy, hàm hoặc lưng có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo rằng động mạch vành bị thu hẹp, không đáp ứng được nhu cầu oxy trong máu.
  • Đột quỵ: đau cổ có thể là triệu chứng của đột quỵ do rách động mạch cổ. Tình trạng này tuy hiếm gặp nhưng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ ở người dưới 50 tuổi.
  • Sỏi mật hoặc sưng túi mật: đau ở vai phải có thể là dấu hiệu của sỏi mật chặn ống trong túi mật, gây ra cơn đau đột ngột ở lưng giữa các xương bả vai.
  • Ung thư: trong một số trường hợp, đau cổ kéo dài có thể là triệu chứng của ung thư đầu hoặc cổ. Đau vai gáy cũng có thể là triệu chứng của ung thư phổi.



► Triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy thường gặp

Các triệu chứng để nhận biết tình trạng đau cổ vai gáy bao gồm:
 
  • Cơn đau thường xuất hiện sau khi ngủ dậy hoặc sau khi làm việc nặng, ngồi cùng một tư thế quá lâu.
  • Mức độ đau càng tăng khi đi đứng, ho, hắt hơi, vận động mạnh, thay đổi thời tiết và có thể giảm khi nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Đau cổ, vai và cứng cổ, có thể lan rộng ra khu vực lân cận kèm theo đau đầu, chóng mặt.
  • Phạm vi chuyển động ở cổ và vai bị hạn chế, yếu cơ cánh tay, vai và tay, ngứa ran hoặc tê ở cánh tay, bàn tay.
  • Trong một số trường hợp, ngoài cơn đau có thể xuất hiện thêm các triệu chứng chóng mặt, ù tai, hoa mắt…



► Đau cổ vai gáy có nguy hiểm không?

Trong hầu hết các trường hợp, đau cổ vai gáy có thể tự khỏi hoặc cải thiện khi người bệnh nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, đau cổ vai gáy có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như ung thư.

Ngoài ra, đau cổ vai gáy nếu không được điều trị hiệu quả có thể dẫn đến các biến chứng như rối loạn tiền đình, tăng nguy cơ thiếu máu não, rối loạn cảm giác tứ chi, đau rễ thần kinh thực vật, thậm chí bại liệt một hoặc cả hai tay.

Vì vậy khi người bệnh bị đau cổ vai gáy dai dẳng, không thuyên giảm hoặc cường độ đau tăng dần kèm theo các biểu hiện khác như buồn nôn, sốt, xuất hiện khối u,… thì thăm khám ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.



► Chẩn đoán bệnh đau cổ vai gáy
 
  • Thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh để xác định nguyên nhân.
  • Kiếm tra phạm vi chuyển động bằng cách yêu cầu bệnh nhân di chuyển cánh tay, vai, và cổ.
  • Thực hiện một số xét nghiệm bao gồm:
    • Xét nghiệm máu
    • Chụp X-quang
    • Chụp CT và MRI
    • Điện cơ học (EMG)
  • Bác sĩ có thể cũng yêu cầu *chọc dò tủy sống (chọc dò thắt lưng), nếu nghi ngờ có nhiễm trùng.



► Điều trị đau cổ vai gáy
 
  • Nghỉ ngơi, thư giãn: Đối với các cơn đau cổ vai gáy do căng cơ, sai tư thế, người bệnh có thể thực hiện nghỉ ngơi tại nhà, chườm nóng hoặc chườm lạnh vào vị trí đau kết hợp massage để lưu thông máu, thư giãn cơ.
  • Thuốc: Ở mức độ đau vừa, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid, thuốc giãn cơ, miếng dán salonpas để hỗ trợ giảm đau.
  • Vật lý trị liệu: các trường hợp đau nặng hơn thì bài tập vật lý trị liệu sẽ có hiệu quả. Người bệnh cần được tư vấn chuyên môn để luyện tập các bài tập phù hợp với tình trạng đau.
  • Phẫu thuật: đa phần các cơn đau vật lý trị liệu sẽ không cần can thiệp phẫu thuật, trừ những nguyên nhân như gãy xương, rách gân cơ vai,…



► Biện pháp phòng ngừa đau cổ vai gáy

Một số phương pháp phòng ngừa đau cổ vai gáy có thể kể đến như:
 
  • Chế độ sinh hoạt, vận động phù hợp với khả năng, điều kiện sức khỏe của bản thân
  • Điều chỉnh tư thế vận động, làm việc, nghỉ ngơi đúng, tránh ngồi một chỗ quá lâu, ngồi gập cổ hoặc nằm gối quá cao khi ngủ
  • Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý
  • Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, đủ chất và lối sống lành mạnh

--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.