Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

SỎI TÚI MẬT

TỔNG QUAN VỀ SỎI TÚI MẬT

Sỏi túi mật là những khối đặc, giống như sỏi, hình thành bên trong túi mật. Túi mật nằm ở bụng trên bên phải, dưới gan.

Mỗi năm có thêm hơn một triệu người Mỹ được chẩn đoán mắc sỏi túi mật, tham gia vào khoảng 38 triệu người đã mắc sỏi túi mật. May mắn thay, hầu hết những người bị sỏi mật không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sỏi mật gây đau hoặc biến chứng khác và phải được điều trị, thường là bằng phẫu thuật cắt bỏ túi mật chứa sỏi.

TÚI MẬT

Túi mật có hình dạng giống như quả lê với chiều dài khoảng 7,5 đến 15 cm, nằm ở phía trên bên phải của bụng, dưới gan. Nó được nối với gan và ruột thông qua các ống nhỏ gọi là đường mật.

Mục đích chính của túi mật là dự trữ và cô đặc mật, là chất lỏng màu nâu xanh được sản xuất bởi gan. Mật mang các chất thải ra khỏi gan, tiêu hóa và hấp thu chất béo, và để hấp thụ các vitamin quan trọng tan trong chất béo. Giữa các bữa ăn, túi mật được nghỉ ngơi, cho phép dịch mật chảy vào dự trữ và cô đặc. Trong bữa ăn, chất béo trong thức ăn ở ruột non khiến túi mật co bóp và tống dịch mật vào ruột. Vài giờ sau, túi mật thư giãn và bắt đầu dự trữ mật trở lại.

SỎI TÚI MẬT LÀ GÌ?

Sỏi túi mật có dạng rắn hình thành bên trong túi mật. Sỏi túi mật có thể  có kích cỡ nhỏ li ti hoặc lớn bằng cả túi mật. Tuy nhiên, đại đa số nhỏ hơn 2,5 cm và phân thành chủ yếu là hai loại: cholesterol hoặc sắc tố.

  • Sỏi cholesterol chiếm khoảng 80% sỏi túi mật ở các nước phát triển, bao gồm cả Hoa Kỳ.
  • Sỏi sắc tố chiếm khoảng 20 % sỏi túi mật.

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ MẮC SỎI TÚI MẬT 

Các chuyên gia không biết chắc chắn tại sao sỏi mật hình thành. Tuy nhiên, ở những người có dịch mật với nồng độ cholesterol và / hoặc canxi cao có thể dẫn tới tạo sỏi túi mật. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tạo sỏi túi mật:

  • Giới tính: Sỏi túi mật gặp ở nữ nhiều hơn.
  • Tuổi: nguy cơ mắc sỏi túi mật tăng dần theo tuổi, đặc biệt là sau 40 tuổi.
  • Tiền sử gia đình và di truyền: Sỏi túi mật phổ biến ở một số gia đình gợi ý đến việc liên quan tới di truyền trong việc hình thành sỏi túi mật.
  • Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ tạo sỏi túi mật:
    • Thai kỳ
    • Sử dụng các thuốc có estrogen (như thuốc ngừa thai).
    • Béo phì
    • Ăn chay trường
    • Giảm cân nhanh ( bao gồm cả những bệnh nhân điều trị giảm béo bắt phẫu thuật).
    • Lười vận động
    • Tiểu đường
    • Bệnh hồng cầu liềm (và các tình trạng khác liên quan đến vấn đề tán huyết nhanh như bệnh lý van tim)
    • Xơ gan hoặc suy gan nặng
    • Một số thuốc.

TRIỆU CHỨNG CỦA SỎI TÚI MẬT

Sỏi túi mật không triệu chứng: Phần lớn những người có sỏi mật thường không có triệu chứng. Sỏi túi mật không triệu chứng thường được tìm thấy trên siêu âm hoặc CT scan được thực hiện vì lý do khác. Sỏi không triệu chứng không cần phải điều trị vì các triệu chứng đầu tiên của sỏi mật thường nhẹ và có những nguy cơ liên quan đến phẫu thuật cắt túi mật.

Nếu bạn bị sỏi mật không triệu chứng, bạn nên chú ý đến các triệu chứng ban đầu của bệnh sỏi túi mật vì bạn có thể cần điều trị nếu các triệu chứng tiến triển.

Cơn đau quặn mật - là triệu chứng ban đầu phổ biến nhất của sỏi mật. Đau thường ở phần bụng trên bên phải ngay dưới xương sườn dưới. Đôi khi đau ở phần bụng phía trên rốn hoặc thậm chí ở ngực dưới, khiến nó bị nhầm lẫn với đau thắt ngực. Bạn có thể cảm thấy buồn nôn, nôn và đau ở vai phải hoặc lưng.

Cơn đau quặn mật thường xảy ra khi túi mật co lại để đáp ứng với bữa ăn nhiều chất béo. Điều này đẩy các viên sỏi xuống ở cổ túi mật gây đau. Khi túi mật nghỉ ngơi vài giờ sau bữa ăn, cơn đau dịu dần. Ở một số người, cơn đau xảy ra dù không ăn gì và thường bắt đầu vào nửa đêm.

Một khi bạn có cơn đau quặn mật đầu tiên, bạn sẽ có nhiều triệu chứng hơn trong tương lai. Các triệu chứng tái phát như vậy thường nghiêm trọng hơn và đôi khi liên quan đến các biến chứng.

Biến chứng của sỏi túi mật

Viêm túi mật cấp: Điều này xảy ra khi có sự tắc nghẽn hoàn toàn của túi mật, gây ra bởi sỏi mật. Không giống như cơn đau quặn mật, sẽ hết trong vài giờ, với viêm túi mật cấp: chủ yếu là đau liên tục và sốt.

Viêm túi mật cấp là một tình trạng nghiêm trọng cần điều trị ngay lập tức tại bệnh viện. Điều trị bao gồm truyền dịch, thuốc giảm đau và thường là kháng sinh. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật chứa sỏi  thường được khuyến cáo trong quá trình nhập viện hoặc ngay sau đó. Nếu không được điều trị, viêm túi mật cấp có thể dẫn đến thủng túi mật đe dọa tới tính mạng.

Sỏi đường mật: biến chứng này có thể xảy ra khi một hoặc vài viên sỏi túi mật rớt từ túi mật vào đường mật chính và gây ra tắc nghẽn dịch mật tới ruột. Có thể dẫn tới: 

  • Vàng da, vàng mắt
  • Viêm đường mật cấp: là tình trạng nhiễm trùng của đường mật gây đau, ớn lạnh và sốt có thể đe dọa tính mạng đòi hỏi phải điều trị kịp thời, thường có thể can thiệp bằng thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để loại bỏ sỏi gây tắc.
  • Viêm tụy cấp: là tình trạng viêm cấp tính của tụy, thường dẫn tới đau bụng nhiều.

CHẨN ĐOÁN SỎI TÚI MẬT 

Có 2 vấn đề trong chẩn đoán sỏi túi mật: xác định xem có sỏi túi mật hay không và xác định xem sỏi túi mật có phải là nguyên nhân gây ra triệu chứng hay không.

Sỏi túi mật thường được phát hiện bằng siêu âm, một xét nghiệm không đau sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của túi mật. Siêu âm là xét nghiệm nhạy nhất để tìm sỏi túi mật, nhưng sỏi túi mật cũng có thể được tìm thấy trong các xét nghiệm hình ảnh học khác

Có sỏi túi mật không có nghĩa là sỏi túi mật là nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Do đó, các xét nghiệm khác có thể được đề nghị làm thêm nếu có nghi ngờ về mối quan hệ của sỏi túi mật với các triệu chứng của bạn.

ĐIỀU TRỊ SỎI TÚI MẬT 

Có 2 lựa chọn chung cho những người bị sỏi túi mật; lựa chọn tốt nhất phụ thuộc vào tình huống cá nhân của bạn.

  • Theo dõi định kỳ: Không điều trị gì, chờ đợi và theo dõi các triệu chứng.
  • Điều trị phẫu thuật: Cắt bỏ túi mật chứa sỏi.