Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

Phẫu thuật điều trị béo phì: Những điều cần biết trước khi thực hiện

Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả giúp giảm cân nhanh chóng, loại bỏ và cải thiện đáng kể các vấn đề sức khỏe đối với người bệnh béo phì. Tuy nhiên, người bệnh cần nhận thức được rằng phẫu thuật không phải là phương pháp thích hợp cho mọi bệnh nhân. Phẫu thuật chỉ là một mắt xích của cả quá trình điều trị béo phì, bên cạnh điều trị nội khoa, điều trị tâm lý và quan trọng là phải thực hiện và duy trì một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.

Khi nào một người được xác định là bị béo phì?

Béo phì là rối loạn phức tạp liên quan đến tình trạng tích trữ quá nhiều chất béo trong cơ thể. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng mà còn làm tăng nguy cơ bệnh tật và các vấn đề sức khỏe.

Để xác định một người có bị béo phì hay không, người ta căn cứ vào chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể – Body Mass Index). BMI được tính bằng cách lấy cân nặng cơ thể (tính bằng kilogram) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét): BMI (kg/m2) = weight / height2. Một người được xác định là béo phì khi có chỉ số BMI cao hơn hoặc bằng 30.

BMI < 18,5: Thiếu cân.
18,5 ≤ BMI < 25: Bình thường.
25 ≤ BMI < 30: Thừa cân.
30 ≤ BMI < 35: Béo phì (cấp độ I).
35 ≤ BMI < 40: Béo phì (cấp độ II).
40 ≤ BMI < 50: Bệnh lý béo phì (cấp độ III).
BMI ≥ 50: Siêu béo phì (cấp độ IV).

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì

Béo phì thường do sự kết hợp của một số nguyên nhân như sau:

- Di truyền: Gen di truyền có ảnh hưởng đến lượng chất béo được tích trữ cũng như quá trình chuyển hóa và đốt cháy năng lượng trong cơ thể.

- Lối sống gia đình: Các thành viên trong gia đình thường có thói quen ăn uống và sinh hoạt tương tự nhau. Nếu trong gia đình có thành viên bị béo phì, những thành viên khác cũng có khả năng mắc bệnh.

- Ít vận động: Với một lối sống ít vận động, cơ thể không đốt cháy được lượng calo cần thiết, dẫn đến dư thừa calo. Những người mắc các bệnh lý như viêm khớp khiến cơ thể không thể vận động nhiều, cũng góp phần làm tăng cân nặng.

- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn uống giàu calo, ăn nhiều thức ăn nhanh, thiếu trái cây và rau quả góp phần làm tăng cân.

- Nghiện ăn uống: Người có nhu cầu ăn uống quá mức dễ dẫn đến nguy cơ béo phì.

- Những vấn đề sức khỏe: Ở một số người, béo phì có thể xuất phát từ các bệnh lý khác như hội chứng Prader-Willi, hội chứng Cushing, v.v…

- Dùng một số loại thuốc điều trị bệnh: Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc trị tiểu đường, thuốc chống loạn thần, thuốc ức chế beta, các thuốc steroid có thể dẫn đến tăng cân nếu người bệnh không có chế độ ăn uống hoặc vận động để hỗ trợ.

- Môi trường xã hội và vấn đề kinh tế: Môi trường xung quanh, người thân, bạn bè, không gian tập luyện cũng ảnh hưởng đến vấn đề cân nặng của con người. Những người được thông tin tuyên truyền tốt hay có điều kiện kinh tế để thường xuyên bổ sung những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe sẽ có nhiều khả năng tránh được béo phì.

- Tuổi tác: Béo phì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng khi bạn già đi, sự thay đổi nội tiết tố, trao đổi chất giảm và lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ béo phì.

- Mang thai: Nhiều phụ nữ khó lấy lại vóc dáng sau khi sinh. Việc tăng cân này có thể góp phần dẫn đến béo phì ở phụ nữ.

- Bỏ hút thuốc: Người bỏ thuốc lá thường sẽ tăng cân, một số người có thể trở nên béo phì. Tuy nhiên, bỏ hút thuốc là việc có lợi cho sức khỏe về lâu dài.

- Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều có thể gây ra những thay đổi về kích thích tố làm tăng sự thèm ăn.

Tại sao phải điều trị béo phì?

Béo phì không những khiến người bệnh tự ti về ngoại hình, khó khăn trong đời sống sinh hoạt, giao tiếp và phát triển các mối quan hệ mà quan trọng hơn còn có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe. Những người có BMI lớn hơn 30 có nguy cơ tử vong sớm cao hơn những người có cân nặng bình thường.

Béo phì có liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe như: Viêm khớp, bệnh suyễn, hội chứng ống cổ tay, trầm cảm, viêm da, tăng cholesterol máu, giảm hiệu quả thuốc tránh thai đường uống, viêm túi mật, trào ngược dạ dày thực quản, gout, tăng huyết áp, vô sinh, bệnh gan, đau nửa đầu, viêm xương khớp, hội chứng buồng trứng đa nang, chứng ngưng thở lúc ngủ, thiếu ngủ, tiểu không kiểm soát do gắng sức (tăng áp lực lên bụng); hay những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nguy cơ tử vong như: Bệnh tim mạch, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh giả u não, ứ máu tĩnh mạch…

Phương pháp điều trị béo phì

- Thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện: Đây là phương pháp giảm cân bổ ích và lành mạnh nhất. Nếu không thể tự luyện tập, người bệnh có thể nhờ sự trợ giúp và giám sát của bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ tâm lý hay huấn luyện viên cá nhân.

- Dùng thuốc điều trị theo toa: Người có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe do béo phì và có chỉ số BMI từ 27 trở lên có thể được kê một trong các loại thuốc giảm cân như: thuốc ức chế sự thèm ăn, thuốc ức chế lipase (giảm khả năng hấp thu chất béo).

- Phẫu thuật điều trị béo phì: Người có BMI từ 35 trở lên và không thành công trong những phương pháp giảm cân ở trên có thể cần được phẫu thuật điều trị béo phì. Ngoài việc giúp giảm cân, phẫu thuật có thể tác động đáng kể đến các vấn đề về sức khỏe béo phì. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp thích hợp cho tất cả mọi người, ngoài việc chuẩn bị và trải qua phẫu thuật, người bệnh cũng cần có những hi sinh lớn trong cuộc sống để duy trì hiệu quả sau phẫu thuật.

Khi nào cần thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì?

Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả giúp loại bỏ và cải thiện đáng kể các vấn đề sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh béo phì. Tuy nhiên, trước tiên người bệnh cần nhận thức được rằng phẫu thuật không phải là phương pháp dành cho mọi bệnh nhân béo phì. Ngay cả khi bệnh nhân đã đáp ứng các điều kiện cần để thực hiện phẫu thuật, đây vẫn nên là giải pháp cuối cùng.

Thông thường, bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật khi đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

- BMI từ 40 trở lên, hoặc BMI từ 30 đến 39,9 và có mắc bệnh lý nghiêm trọng đi kèm khác như tiểu đường, tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, các vấn đề về khớp, v.v…

- Quá cân ít nhất 36 kg (80 pounds).

- Từ 18 đến 75 tuổi.

- Có tiền sử giảm cân thất bại.

- Hiểu rõ rằng phẫu thuật chỉ là một phần trong cả quá trình điều trị béo phì. Bên cạnh điều trị ngoại khoa, người bệnh cần phải tham gia điều trị nội khoa, điều trị tâm lý, và quan trọng là phải thực hiện và duy trì một chế độ ăn uống khoa học, thói quen sinh hoạt, tập luyện điều độ để đạt hiệu quả lâu dài.

Những loại phẫu thuật điều trị béo phì phổ biến hiện nay

4 loại phẫu thuật điều trị béo phì phổ biến hiện nay trên thế giới nhằm mục đích giảm lượng thức ăn đưa vào dạ dày hoặc giảm hấp thụ thức ăn vào cơ thể gồm:

nhung loai phau thuat dieu tri beo phi pho bien

- Cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric Sleeve): Bác sĩ sẽ cắt bỏ khoảng 80% dạ dày, tạo ra một dạ dày hình ống, nên sau khi mổ, người bệnh cảm giác ít đói hơn và nhanh no hơn sau khi ăn.

- Nối tắt dạ dày (Gastric Bypass): Bác sĩ sẽ tạo một túi dạ dày nhỏ và nối nó với ruột non, làm người bệnh mau no hơn và giảm hấp thu chất khoáng.

- Thắt đai dạ dày (Lap Band): Bác sĩ thắt một đai quanh phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ phía trên đai, nhờ đó dạ dày được làm đầy nhanh hơn khi ăn, khiến bệnh nhân cảm thấy nhanh no hơn.

- Chuyển dòng mật tụy (Duodenal Switch): Bác sĩ cắt bỏ một phần lớn thể tích dạ dày (như phẫu thuật tạo dạ dày hình ống), chuyển dòng ruột, cắt bỏ túi mật. Kết quả là, người bệnh sẽ cảm thấy ít đói hơn, nhanh no và hấp thụ vào cơ thể ít lượng calo và chất khoáng hơn.

Mỗi phương pháp trên đều có thuận lợi và bất lợi riêng. Trong đó, phương pháp phẫu thuật tạo hình dạ dày hình ống, Nối tắt dạ dày, và Chuyển dòng mật tụy mang lại hiệu quả giảm cân và cải thiện sức khỏe tốt hơn, nhưng đòi hỏi thời gian lưu viện, hồi phục lâu hơn và yêu cầu người bệnh thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt hơn sau phẫu thuật.

Phương pháp thắt đai dạ dày cũng mang lại hiệu quả giảm cân tốt như các phương pháp trên, nhưng tỉ lệ thành công về dài hạn thấp hơn và đòi hỏi nhiều hơn sự theo dõi của bác sĩ.

Đây là 4 phương pháp đang được áp dụng tại nhiều trung tâm điều trị béo phì lớn trên thế giới và tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH). Trong đó, phương pháp tạo dạ dày hình ống được sử dụng nhiều nhất. Phương pháp này mang lại hiệu quả điều trị béo phì tốt, đặc biệt là hiệu quả điều trị rối loạn chuyển hóa đường đối với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.

Hiệu quả của phẫu thuật điều trị béo phì

Bệnh nhân trải qua phẫu thuật điều trị béo phì có thể xuất viện ngay trong ngày hoặc lưu viện đến 3 ngày và có thể quay trở lại làm việc sau 3 ngày đến 3 tuần.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bắt đầu giảm cân nhanh chóng. Lượng cân nặng giảm đi phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật được áp dụng và mức độ tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ. Chẳng hạn, tùy thuộc vào chiều cao, cân nặng và phương pháp phẫu thuật, nhiều bệnh nhân có thể giảm 45 kg (100 pounds) hoặc nhiều hơn sau 12 đến 18 tháng.

Phẫu thuật điều trị béo phì có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống ở 95% bệnh nhân và giảm 89% nguy cơ tử vong trong 5 năm đầu.

hieu qua phau thuat dieu tri beo phi

Phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân béo phì với bệnh lý kèm theo. Cụ thể như: sau phẫu thuật, người bệnh có thể giảm 82% nguy cơ bệnh tim mạch, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể được giải quyết trên 72 – 98% bệnh nhân, tỉ lệ này trên bệnh nhân đau nửa đầu là 57%, bệnh nhân trầm cảm 55%, bệnh giả u não 96% bệnh nhân, khó thở khi ngủ 74 – 98% bệnh nhân, rối loạn lipid máu – cholesterol cao 63% bệnh nhân, suyễn 82% bệnh nhân, cao huyết áp 52 – 92% bệnh nhân, hội chứng chuyển hóa 80% bệnh nhân, tiểu không kiểm soát khi gắng sức 44 – 88% bệnh nhân, đái tháo đường type II 83% bệnh nhân, thoái hóa khớp 41 – 76% bệnh nhân, bệnh ứ máu tĩnh mạch 95% bệnh nhân, gout 72% bệnh nhân…

Tác dụng phụ và biến chứng sau phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị béo phì cũng tiềm ẩn một số rủi ro như các loại phẫu thuật khác, nhưng nhìn chung phẫu thuật này an toàn và mang lại nhiều ưu điểm hơn so với những rủi ro có thể xảy ra.

Nguy cơ biến chứng trong và sau phẫu thuật có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng. Khoảng 10% bệnh nhân trải qua phẫu thuật gặp phải biến chứng, phổ biến nhất là cảm giác buồn nôn và tình trạng nôn mửa. Tỉ lệ sống sót sau phẫu thuật điều trị béo phì là 99,9%. Khoảng 80% số ca tử vong xảy ra trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật là hệ quả của chứng thuyên tắc phổi, xì rò miệng hay suy hô hấp.

Phẫu thuật điều trị béo phì có một số tác dụng phụ phổ biến như:

- Các vấn đề về tiêu hóa như khó nuốt, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn hoặc không dung nạp với một số loại thực phẩm nhất định.

- Da dư bị chảy xệ do giảm cân nhanh chóng.

- Thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất, đặc biệt là đối với phương pháp nối tắt dạ dày và chuyển dòng mật tụy.

- Hình thành sỏi mật (do giảm cân nhanh – thường là tạm thời).

- Rụng tóc (do giảm cân nhanh – thường là tạm thời).

Tuy nhiên, khi so sánh về dài hạn, những rủi ro của bệnh béo phì vẫn lớn hơn nhiều so với nguy cơ biến chứng của phẫu thuật. Bệnh nhân béo phì có khả năng tử vong cao hơn 50% so với bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật điều trị.

Chế độ chăm sóc, dinh dưỡng sau phẫu thuật

Chế độ ăn uống trước phẫu thuật: Ăn ngay trước khi phẫu thuật sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng và mang lại hiệu quả giảm cân lâu dài hơn. Yêu cầu về chế độ ăn uống trước phẫu thuật với mỗi trường hợp là khác nhau, thông thường nên lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu protein, ít carbohydrate, thực phẩm dạng lỏng, có một số loại vitamin nhất định…

Chế độ ăn uống sau phẫu thuật: Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ chuyển dần từ chế độ ăn các thực phẩm ở dạng lỏng sang các thực phẩm thông thường. Thông thường, quá trình này là từ 4 đến 6 tuần. Sau khi đã chuyển đổi hoàn toàn, người bệnh cần tuân thủ một số yêu cầu về chế độ ăn uống trong dài hạn gồm:

- Ăn các loại thực phẩm toàn phần/thô (tránh các loại thực phẩm đã qua chế biến).

- Thực phẩm giàu protein.

- Hạn chế tối đa đường và carbohydrate đơn.

- Sử dụng nước không đường.

- Hạn chế tối đa đồ ăn vặt.

- Chia các bữa ăn nhỏ.

- Nhai chậm và kĩ.

- Không uống nước trong bữa ăn.

- Có chế độ bổ sung vitamin và các chất bổ sung nghiêm ngặt.

- Hạn chế tối đa đồ uống có cồn.

Một số yêu cầu riêng đối với từng loại phẫu thuật:

- Cắt tạo hình dạ dày hình ống: Bệnh nhân được khuyến cáo không được ăn quá nhiều vì sẽ có nguy cơ kéo giãn phần dạ dày nhỏ còn lại, dẫn đến tăng cân trở lại; không được ăn quá nhanh vì sẽ gặp khó khăn khi nuốt.

- Nối tắt dạ dày: Bệnh nhân thường không thể ăn đường vì có thể gặp phải những vấn đề tiêu hóa khó chịu.

- Thắt đai dạ dày: Bệnh nhân sẽ bị khó nuốt nếu ăn quá nhanh; không được ăn uống gì trong vòng 30 phút sau khi ăn.

- Chuyển dòng mật tụy: Bên cạnh những yêu cầu tương tự như đối với phẫu thuật cắt tạo hình dạ dày hình ống, bệnh nhân trải qua phương pháp phẫu thuật chuyển dòng mật tụy cần có chế độ bổ sung vitamin chặt chẽ hơn để ngăn ngừa suy dinh dưỡng.

TS. BS. Đỗ Minh Hùng
Trưởng Khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)