Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

“CHĂM SÓC THAI KỲ TOÀN DIỆN” – CÙNG CHUYÊN GIA AIH GIẢI ĐÁP NHỮNG BĂN KHOĂN CỦA MẸ

Suốt 9 tháng thai kỳ, bên cạnh niềm hạnh phúc khi cảm nhận được bé yêu đang từng ngày lớn lên trong cơ thể, các mẹ bầu đều phải trải qua những khó khăn với nhiều thay đổi về thể chất và tâm sinh lý.
 
Sau đây là những vấn đề mẹ bầu thường thắc mắc và được TS. BS. Trịnh Tiến Đạt, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Quốc tế Mỹ giải đáp cụ thể từng trường hợp để mẹ luôn an vui, khỏe mạnh trong suốt thời gian thai kỳ cũng như sẵn sàng cho cuộc sanh và thời kỳ hậu sản. 
 
Mẹ bầu hỏi: Trong quá trình mang thai, bà mẹ không uống sữa, có ảnh hưởng nhiều đến thai nhi không?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Chào em, trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu, thường có tình trạng ốm nghén, ảnh hưởng đến việc thu nạp nguồn dinh dưỡng cho các thai phụ. Tuy nhiên, em nên gặp bác sĩ Sản khoa để được tư vấn về dinh dưỡng và chế độ ăn trong thai kỳ.
 
Việc các thai phụ không uống sữa, hoặc uống ít sữa không ảnh hưởng đến thai nhi, nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nghĩa là trong khẩu phần ăn có đủ 4 nhóm chất như tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, 2 yếu tố cần được bổ sung là acid folic và sắt. 
Như vậy, nếu em không uống sữa được, hoặc uống lượng ít, hoặc ngay khi uống được nhiều sữa, thì chế độ dinh dưỡng cân đối gồm 4 nhóm chất trên là quan trọng nhất. Hơn nữa, acid folic và sắt thường được các bác sĩ Sản khoa kê toa cho các thai phụ uống bổ sung trong thai kỳ.
 
Cũng cần nói thêm là acid folic là yếu tố cần cho sản sinh tế bào, nhất là trong giai đoạn đầu thai kỳ. Đồng thời, lượng máu được tăng nhiều trong thai kỳ, để thai phụ thay đổi giải phẫu sinh lý phù hợp với từng giai đoạn của thai, có nhiều nguyên nhân thiếu máu, ghi nhận đặc điểm dịch tễ và mô hình bệnh tật thì thiếu máu do thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu ở thai phụ. Tuy nhiên việc bổ sung cũng có nhiều quan điểm, tùy vùng dịch tễ, chúng ta có thể sử dụng đại trà – liều thấp – ngay từ đầu thai kỳ, hoặc cho vào nửa sau của thai kỳ vì cơ thể luôn có nguồn sắt dự trữ, hoặc không cần bổ sung sắt nếu chế dộ dinh dưỡng tốt – đầy đủ… và tất cả các lựa chọn này đều phải được bác sĩ Sản khoa thăm khám và tư vấn.
 
Chúc em khỏe!
 
Mẹ bầu hỏi: Những loại thực phẩm/ thực phẩm chức năng nào nên hạn chế để tránh ảnh hưởng đến thai nhi và sản phụ (dễ gây động thai, sanh non…)?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Vấn đề em quan tâm là phổ biến của các thai phụ, đặc biệt là mang thai lần đầu. Tuy nhiên, với chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc sử dụng các thực phẩm chức năng là không cần thiết. Hơn nữa, trong thai kỳ, chúng ta hạn chế sử dụng các chế phẩm – hóa chất thì càng tốt.
Trong thực tế cuộc sống, thường các yếu tố được quy kết là khi ăn uống sẽ ảnh hưởng đến thai nhi như động thai, ra huyết, sanh non như: rau răm, rau ngót… Tất cả các thực phẩm, khi chúng ta đưa một lượng lớn vào cơ thể đều không có lợi, vấn đề là cân đối và tránh các thức ăn dễ bị dị ứng và nhóm dễ bị tiêu chảy. Việc co thắt bụng và di chuyển nhiều trong khi bị tiêu chảy và tình trạng hụt lượng dịch trong cơ thể có thể ảnh hưởng thai.
 
Mặt khác, theo dân gian thường khuyên các thai phụ gần ngày sanh nên đi lại thật nhiều cho dễ sanh – quan điểm này đôi khi không đúng. Việc vận động nhẹ nhàng và đều dặn như yoga, fitness nhẹ nhàng là cần thiết. Nếu di chuyển quá nhiều, các động tác nhanh và mạnh, ở tuổi thai sớm dưới 37 tuần thì có thể gây ra tình trạng động thai và sanh non. Trong trường hợp này, thai nhỏ, có thể dễ sanh hơn thai lớn và đây là một thói quen – quan điểm chưa thực sự đúng đắn.
 
Chúc em khỏe!
 
Mẹ bầu hỏi: Sản phụ trước khi mang thai bị đau u xơ tử cung, các phương pháp tối ưu để tránh các tác dụng phụ đến thai nhi?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
U xơ tử cung (từ chuyên môn gọi lag bướu cơ trơn tử cung) trong thai kỳ cũng thường gặp trong thực hành lâm sàng, đặc biệt là các thai phụ hiếm muộn, lớn tuổi (trên 35 tuổi), cường nội tiết…
Nếu mang thai trên tử cung đa nhân xơ, các vấn đề em quan tâm phải được thảo luận với bác sĩ trước khi mang thai. Tiên lượng thai trên tử cung có đa nhân xơ phải được cân nhắc kỹ trên 2 khía cạnh: Một là có cần can thiệp trước thai kỳ không và việc can thiệp này có ảnh hưởng trên chất lượng cơ tử cung không? Hai là nếu không can thiệp, sau đó có thai thì theo dõi và chăm sóc như thế nào?  Nếu phát hiện khi khám thai, bác sĩ Sản khoa sẽ khám, cho xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để định dạng của u xơ về số lượng, kích thước, vị trí… từ đó sẽ tư vấn cho việc chăm sóc trước sinh, cũng như tiên lượng cuộc sanh khi – đặc biệt khi thai gần ngày sanh.
 
Đây là tình trạng u lệ thuộc nội tiết, do đó trong thai kỳ, đa số u xơ sẽ to hơn theo kích thước của tử cung cũng như chịu ảnh hưởng của estrogen. Hiện nay chúng ta không có biện pháp nào để tránh các tác dụng phụ của u xơ trên thai nhi, cũng như không thể can thiệp khối u này trong thai kỳ (rất hạn hữu khi có biến chứng). Việc theo dõi thai định kỳ, giúp thai phụ và thai nhi ổn định và chúng ta đón bé tại thời điểm thích hợp để được mẹ tròn con vuông.
 
Chúc em mau có tin vui!
 
Mẹ bầu hỏi: Mẹ bầu nên tập yoga ở giai đoạn nào của thai kỳ?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Trên nguyên tắc yoga hay thiền, hay các biện pháp relax đều không là chống chỉ định trong thời kỳ mang thai. Các giáo viên yoga đều được tập huấn để hướng dẫn các thai phụ tập yoga. Các động tác yoga có thể khác – nhẹ nhàng hơn khi không mang thai. Tuy nhiên, nếu thai phụ đã có tình trạng động thai hay dọa sẩy thai, việc tập yoga nên được thảo luận với bác sĩ trước đó.
 
Chúc em vui, khỏe!
 
Mẹ bầu hỏi: Khi mẹ ốm nghén và không muốn ăn, em bé có bị thiếu chất không?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Tình trạng ốm nghén có thể kéo dài suốt thai kỳ, nhưng thường chỉ trong 3 tháng đầu hoặc nửa đầu thai kỳ. Không muốn ăn thì chúng ta cố gắng ăn, chia nhỏ bữa ăn và chú ý tránh các thức ăn dễ nôn ói do cảm nhận về mùi, vị, hoặc thậm chí nghe tên gọi món ăn đó cũng có thể buồn nôn. Dù nôn ói có nhiều mức độ, các thai phụ cũng nên cân đối nguồn dinh dưỡng thu nạp vào cho đủ chất – theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp nôn ói do nghén quá nhiều, các thai phụ có thể gặp bác sĩ để được trợ giúp.
 
Thân ái,
 
Mẹ bầu hỏi: Chuyện “yêu” ra sao cho hợp lý để không làm phiền em bé?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Trên nguyên tắc, quan hệ tình dục là xuất phát từ nhu cầu. Tuy nhiên, trong thai kỳ, chúng ta cần lưu ý những điểm sau:
 
- Thai kỳ, dưới ảnh hưởng của nội tiết thai kỳ, làm do các cơ quan sinh dục tăng nhạy cảm với các kích thích tình dục và đôi khi tăng ham muốn tình dục ở thai phụ, đặc biệt là trong 3 tháng giữa thai kỳ.
- Điểm thứ hai là tần suất: Quan hệ bao nhiêu lần/ tuần là đủ - vừa phải? Tần số quan hệ không nhất định, theo nhu cầu của cả hai vợ chồng và người chồng luôn phải tinh tế, quan sát yếu tố tâm lý của người vợ trong thai kỳ. Ví dụ như người vợ quá lo lắng với việc quan hệ sẽ ảnh hưởng đến em bé, thì việc quan hệ tình dục cần cân nhắc, khi đó không thể đem lại cảm giác thăng hoa cho cả hai vợ chồng – mà có thể ảnh hưởng hay tổn thương tâm lý cho ngươi vợ.
- Thời điểm quan hệ là yếu tố quan trọng. Thời điểm thích hợp tùy từng cặp vợ chồng, khi đó mới có sự giao thoa trọn vẹn.
- Điểm thứ tư là tư thế khi quan hệ. Thông thường tư thế quan hệ thường quy sẽ tạo khoái cảm nhất. Trong thai kỳ, cuối 3 tháng đầu và trong 3 tháng giữa thai kỳ, tư thế quan hệ cổ điển và truyền thống được khuyên dùng. Trong 3 tháng cuối, việc quan hệ tình dục trở nên khó khăn, các cặp vợ chồng nên suy nghĩ, chọn tư thế nào cho thoải mái nhất, nhưng thồng thường vẫn là cổ điển và nằm nghiêng song song, và nên ngưng quan hệ tình dục trong tháng cuối thai kỳ. Mặt khác, cũng có quan điểm là quan hệ không bị chi phối bởi tuổi thai, và việc quan hệ gần ngày sinh sẽ đưa thai phụ vào chuyển dạ tự nhiên – có thể một phần nguyên nhân do prostaglandin trong tinh dịch.
- Điểm thứ 5 là động tác luôn nhẹ nhàng, không gây tác động mạnh cho cơ thể thai phụ.
 
Trên đây là một vài điểm lưu ý về vấn đề quan hệ tình dục trong thời kỳ mang thai, hy vọng giúp em có thêm thông tin hữu ích!
 
Mẹ bầu hỏi: Thèm ăn khi mang thai có tốt không và làm thế nào để kiểm soát?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Thèm ăn khi mang thai là tín hiệu khả quan khi chúng ta muốn cung cấp một chế độ dinh dưỡng cân đối – hợp lý cho thai phụ. Tuy nhiên, không them ăn duy nhất 1 món nào hay ăn lệch với tháp dinh dưỡng, sẽ làm cho cơ thể thu nạp năng lượng nhưng không đủ chất. Việc ăn vặt, ăn nhiều ngoài bữa ăn chính có thể gây rối loạn dung nạp đường.
 
Mong em có được sự tư vấn chính xác hơn khi theo dõi thai định kỳ!
 
Mẹ bầu hỏi: Dấu hiệu chuyển dạ và những rủi ro khi sinh nở?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Câu hỏi của em là bao gồm rất nhiều kiến thức của cả một Phòng sanh của Bệnh viện sản khoa. Lo lắng của thai phụ là “vượt cạn” như thế nào? BS. Tiến Đạt xin cung cấp thêm thông tin cho em an tâm và khẳng định rằng đội ngũ bác sĩ sản khoa và nữ hộ sinh, hộ lý sẽ đồng hành cùng các thai phụ trong cuộc chuyển dạ, cuộc sanh và hậu sản để đảm bảo an toàn sản khoa cho mẹ và chào đón em bé khỏe mạnh.
 
Chuyển dạ thực sự là khi thai phụ có 3 trong 5 các yếu tố sau:
 
- Cơn co tử cung đều đặn, tăng dần về cường độ và tần suất, ít nhất có 4 cơn co trong 30 phút
- Bong nút nhầy cổ tủ cung gây ra nhớt hồng âm đạo.
- Thay đổi ở cổ tử cung: xóa (thu ngắn chiều dài của cổ tử cung) và mở cổ tử cung.
- Đầu ối được thành lập: túi ối dưới tác dụng của cơn co tử cung sẽ tạo đầu ối, tác động làm nong cổ tử cung, giúp chuyển dạ thuận lợi.
- Có sự tiến triển của ngôi thai sau mỗi cơn gò: ở giai đoạn cuối của chuyển dạ giai đoạn 1 (trước khi sổ thai).
Do đó, khi thấy tử cung gò, đau hoặc ra nhớt hồng âm đạo hoặc ra nước âm đạo (vỡ ối) hoặc thai máy ít yếu hoặc đơn giản là quá lo lắng, các thai phụ nên đến bệnh viện ngay để được tiếp nhận và xử trí phù hợp.
Những rủi ro khi sinh nở thì rất nhiều. Việc liệt kê tất cả các rủi ro, sẽ làm cho các thai phụ hoang mang – lo lắng không cần thiết. Tốt nhất là trong quá trình khám thai, các thai phụ sẽ được khám về tư vấn chu đáo. Khi đến gần ngày sanh, mỗi thai phụ có một vài đặc điểm riêng, sẽ được tư vấn các thuận lợi và nguy cơ cho cuộc chuyển dạ sắp đến, như vậy sẽ chính xác hơn.
 
Chúng tôi, tập thể các Bác sĩ – Nữ hộ sinh – Hộ lý luôn đồng hành cùng các thai phụ để giúp cuộc sanh được anh toàn theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, cùng với các dịch vụ chăm sóc chu đáo.
 
Chúc em mẹ tròn con vuông nhé!
 
Mẹ bầu hỏi: Các bệnh tầm soát, chuẩn bị trước sinh, các dịch vụ sinh?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Trong thai kỳ, với chính sách Chăm sóc thai kỳ toàn diện, chúng tôi sẽ tầm soát các bệnh nhiễm khuẩn có thể gây dị tật thai, tầm soát dị tật thai qua xét nghiệm sinh hóa và chẩn đoán hình ảnh, tầm soát cao huyết áp – tiểu đường/ thai kỳ, tầm soát nhiễm khuẩn âm đạo có thể gây hại cho thai nhi vào cuối thai kỳ (tuần 35 – 37).
 
Ngoài ra, chúng tôi có quy trình tầm soát các bệnh lý nội khoa trong thai kỳ, như tim mạch, gan, thận, tuyến giáp vào cuối 3 tháng đầu (nếu có thì đây coi như bệnh lý có trước khi mang thai do tahy đổi giải phẫu – sinh lý thai phụ chưa nhiều), vào cuối 3 tháng cuối (để phát hiện các bệnh tiềm ẩn – có thể biểu hiện vào thời điểm này), vào 3 tháng cuối (để rà soát lại lần cuối, chuẩn bị cho cuộc sanh).
 
Hơn nữa, trong thai kỳ, khi khả năng miễn dịch giảm, bệnh lý răng miệng có khuynh hướng gia tăng. Tiến hành khám răng miệng vào cuối 3 tháng đầu và cuối 3 tháng giữa giúp phát hiện và xử trí sớm. Đây là cách chúng tôi tiếp cận toàn diện các thai phụ trong thai kỳ, để đem lại sự chăm sóc y tế chu đáo nhất.
 
Các bạn nên tham gia các lớp truyền thông giáo dục sức khỏe, đặc biệt là các lớp tiền sản, để được chúng tôi cung cấp các thông tin hữu ích, chuẩn bị cho cuộc sanh. 
 
Mẹ bầu hỏi: Sinh mổ sau bao lâu thì vết thương lành hẳn? Mẹ sinh mổ có được ăn tôm, thịt bò, hay trứng không ạ?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Sinh mổ thì không thể trả lời chính xác là sau bao lâu vết thương lành hẳn. Hầu hết hiện nay, các bác sĩ Sản khoa may chỉ tan (có thể hấp thu – hòa vào cơ thể). Loại chỉ hiện nay được sử dụng là tan theo cơ chế thủy phân, như vậy sau mổ khoảng 8 tuần, các sản phẩm chỉ phẫu thuật gần như hòa vào mô của cơ thể. Tuy nhiên để có thể gọi là tan thực sự thì tùy thuộc vào cơ địa của từng người.
 
Có thể câu hỏi em quan tâm là bao lâu lành hẳn để có thể mang thai lại? Đó lại là câu chuyện khác, nghĩa là khi đó chúng ta phải lưu ý sự lành vết mổ và thười điểm tử cung có thể mang thai lại và thai nhi có thể trong tử cung đến tuổi thai trưởng thành. Việc định nghĩa điểm mốc sẹo mổ trên tử cung là cũ hay mới để tiên lượng cho cuộc sinh tiếp theo hiện nay được đồng thuận là 18 tháng (nghĩa là khoảng cách tối thiểu của 2 lần mổ lấy thai lần 1 và lần 2). Mốc thời gian này chỉ có giá trị tương đối, tùy thuộc vào chỉ định mổ lần trước, vào thười kỳ hậu phẫu của lần mổ trước, các yếu tố toàn than và sản khoa của thai phụ, các vấn đề về thai – nhau - ối của thai nhi lần này… sẽ cho ra quyết định xử trí trong thai kỳ lần này. 
 
Hậu phẫu mổ lấy thai, trong thời kỳ này, các sản phụ có thể ăn được các món trên như tôm, thịt bò, trứng. Đương nhiên, dù các món này ăn được bình thường, nhưng điều quan trọng mà Bác sĩ Sản khoa khuyên các sản phụ là cân đối chế độ ăn gồm đủ 4 nhóm chất của tháp dinh dưỡng. Việc tạo ra sẹo lồi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, xin khuyên các thai phụ lưu ý 3 điểm sau:
 
- Sẹo lồi hay không là do cơ địa, không liên quan chế độ ăn, và một số thức ăn dân gian truyền miệng là tạo sẹo lồi – thực ra chúng không phải là nguyên nhân cũng không chịu trách nhiệm về việc này.
- Việc kiêng khem trong thười kỳ hậu sản/ hậu phẫu là không cần thiết. Dinh dưỡng hợp lý, cân đối, đủ chất là then chốt nhất để hồi phục, lành sẹo, và đủ khỏe để tạo ra sữa tốt cho con bú mẹ.
- Kỹ thuật mổ hiện nay thì đường rạch da nằm dưới lai của quần lót (đường hair line), nên cũng không ảnh hưởng đến dự tự tin khi tắm biển chẳng hạn. Tuy nhiên, sẹo lồi là một mối quan tâm chính đáng của các sản phụ, có thể gặp bác sĩ 2 tuần sau mổ để được đánh giá và tư vấn chính xác về sẹo mổ hơn tại thời điểm này.
 
Em nên sắp xếp thời gian gặp bác sĩ Sản khoa sau mổ lấy thai 4 – 6 tuần, để được khám và tư vấn cá thể hóa trường hợp của em nhé!
 
Mẹ bầu hỏi: Mình vừa mang thai được 4 tuần, được biết trước khi mang thai thì cần bổ sung acid folic để chống dị tật thai nhi, tuy nhiên mình chưa bổ sung thì khi mang thai có rủi ro nào ảnh hưởng đến em bé hay không?
 
Bác sĩ trả lời: 
 
Em an tâm, không nên quá lo lắng, xin chia sẻ với em vài ý như sau:
 
- Lý tưởng là bổ sung acid folic trước khi mang thai. Trường hợp tiêu chuẩn vàng như thế này thì cả 2 vợ chồng gặp Bác sĩ để được khám và tư vấn tiền mang thai.
- Đa số các trường hợp là phát hiện có thai, đi khám thai định kỳ và được Bác sĩ Sản khoa cho bổ sung acid folic trong suốt thai kỳ, đặc việt là nửa đầu thai kỳ.
- Trường hợp của em mang thai 4 tuần (theo cách tính của em hay của bác sĩ Sản khoa vậy?). Nếu theo chuyên môn bác sĩ Sản khoa tính thì thai 4 tuần, nghĩa là em mới trễ kinh vài hôm và vừa phát hiện có thai. Việc bổ sung acid folic từ thời điểm này rất tốt và không liên quan đến dị tật do thiếu acid folic vì cơ thể em có nguồn dự trữ này và thai còn ở giai đoạn quá sớm, cộng với chế độ ăn bình thường cũng là nguồn cung cấp acid folic, chứ không chỉ có uống thuốc vì uống bổ sung có nghĩa là chúng ta cung cấp thêm lượng acid folic cho cơ thể.
- Hơn nữa, trong thai kỳ, các thai phụ có ít nhất 3 mốc tầm soát dị tật qua phương tiện chẩn đoán hình ảnh – khảo sát hình thái: 20-22 tuần, 24-26 tuần và 28-30 tuần theo từng cơ quan ứng với tuổi thai khảo sát.
- Đồng thời, cũng có các xét nghiệm gián tiếp về sinh hóa cũng như trực tiếp về DNA để khảo sát các bất thường về nhiễm sắc thể.
- Vì vậy, dị tật thai nhi có rất nhiều loại cũng như do rất nhiều nguyên nhân, chứ không phải riêng do thiếu acid folic. Trường hợp của em thì bác sĩ khuyên nên an tâm và cố gắng theo dõi thai kỳ thường xuyên theo kế hoạch chăm sóc trước sinh mà bác sĩ Sản khoa khuyến cáo, để có thể có được thai kỳ an toàn – thai nhi khỏe mạnh.
 
Thân ái.