Sinh thiết là cách duy nhất chắc chắn để chẩn đoán ung thư. Nói cách khác, sinh thiết là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán ung thư bên cạnh các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang, CT Scan, MRI. Các chẩn đoán hình ảnh này giúp xác định vùng, cơ quan bị bệnh nhưng không xác định được rõ có tế bào ung thư hay không hay loại ung thư gì để có hướng xử trí thích hợp nhất.
Vậy Sinh Thiết Là Gì?
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ quyết định bạn cần lấy một mẫu mô hoặc một mẫu tế bào để chẩn đoán xác định loại bệnh, có hay không tế bào ung thư. Việc lấy mẫu mô hoặc mẫu tế bào gửi đi phân tích được gọi là sinh thiết.
Từ “sinh thiết” có thể làm cho bạn sợ hãi nhưng thật ra trong đa số trường hợp, thủ thuật sinh thiết hầu như không đau hoặc chỉ đau âm ỉ chút ít và là những thủ thuật với nguy cơ rủi ro rất thấp.
Các Loại Sinh Thiết
1. Sinh thiết tủy xương:
Bác sĩ dùng kim dài chọc vào vị trí xương chậu nếu có nghi ngờ ung thư máu, đa u tủy, lymphoma hay nghi ngờ ung thư từ nơi khác lan tràn tới tủy xương. Bạn có thể cảm thấy đau âm ỉ trong khi thực hiện thủ thuật hoặc chỉ đau khi mũi kim chạm vào vùng được gây tê.
2. Sinh thiết qua nội soi:
Để lấy được mẫu mô bên trong cơ thể ở các vị trí như bao tử, đại trực tràng, bàng quang, phế quản phổi.
3. Sinh thiết bằng kim:
-
Sinh thiết bằng kim nhỏ - FNA Fine needle Aspiration: lấy tế bào, dịch khảo sát hình thái, tính chất tế bào.
-
Sinh thiết bằng kim lớn - Sinh thiết lõi kim - Core needle Biopsy: Sẽ lấy được cả mô tế bào giúp việc xác định rõ và cả việc nhuộm hóa mô miễn dịch xác định bản chất sinh học của bướu cũng thực hiện được.
-
Sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm, CT Scan, MRI - Image Guided Biopsy
-
Sinh thiết bằng kim lớn dưới sự trợ giúp máy hút chân không - Vacuum assisisted biopsies
4. Sinh thiết mở (sinh thiết rạch qua da): Nếu có sang thương ở da, dưới da, bác sĩ có thể gây tê và cắt đi một mảnh nhỏ hoặc cắt trọn khối bướu
5. Sinh thiết qua phẫu thuật: nếu với khối u trong ổ bụng, gần động mạch, bác sĩ có thể cần phải mổ bụng thám sát và sinh thiết.
Sinh Thiết Xác Định Tế Bào Ung Thư Có Nguy Hiểm Không?
Sinh thiết thường an toàn và được coi là một thủ thuật có rủi ro rất thấp với các khả năng:
Bị nhiễm trùng nhỏ, nguy cơ nhiễm trùng cần điều trị bằng kháng sinh thường rất thấp.
-
Có thể ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận (ví dụ: Tổn thương ruột khi sinh thiết vùng bụng).
-
Có thể xảy ra chảy máu. Xét nghiệm sai vị trí, không lấy đủ mẫu xét nghiệm có thể dẫn đến chẩn đoán sai lệch kết quả và phải lấy mẫu lại. Theo như nghiên cứu, chỉ 5% trường hợp sinh thiết xảy ra biến chứng.
Song, đây vẫn là kỹ thuật an toàn, không chỉ giúp chẩn đoán sớm, chính xác bệnh mà còn hỗ trợ điều trị bệnh qua việc đánh giá độ hiệu quả của phác đồ điều trị.
Ngoài ra, điều quan trọng là bạn cần lưu ý quan sát các dấu hiệu bất thường trong cơ thể bởi bất kỳ sự chủ quan nào cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến ung thư.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện AIH:
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận