Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO TRẺ BIẾNG ĂN

Đối với nhiều bố mẹ, mỗi khi cho trẻ ăn là “một cuộc chiến” vì trẻ quấy khóc, không hợp tác. Tình trạng này khiến bố mẹ lo lắng và sử dụng nhiều cách thức khác nhau để cải thiện nhưng không hiệu quả. Hãy cùng AIH tìm hiểu rõ hơn tình trạng biếng ăn ở trẻ và tham khảo phương pháp xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn nhé!   ​

Biếng ăn là hiện tượng trẻ ăn ít hơn bình thường, ăn thức ăn chọn lọc, chỉ ăn vài loại thức ăn, từ chối hay nôn oẹ khi nhìn thấy thức ăn, bỏ ăn do nhiều nguyên nhân gây ra.   ​

► Một số nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn ​
 
  • Trẻ gặp một số vấn đề về sức khỏe: Biếng ăn là triệu chứng thường gặp đối với tất cả trẻ em khi ốm. Nếu trẻ đang ăn uống bình thường nhưng đột nhiên lại bỏ ăn và quấy khóc, ba mẹ nên quan sát sức khỏe trẻ nhiều hơn. Khi trẻ mắc một số vấn đề như: sốt, mọc răng, đau họng, nhiễm giun sán…, trẻ có thể khó chịu và ăn kém đi. ​​
  • Trẻ gặp vấn đề về dinh dưỡng: Khi trẻ biếng ăn có thể liên quan đến các vấn đề thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu protein, lysin, kẽm, kali; Thức ăn chế biến không hợp khẩu vị của trẻ; Trẻ chưa kịp thích nghi với chế độ ăn mới hoặc ép trẻ ăn quá nhiều dẫn đến tâm lý sợ ăn. ​Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tiêu hoá và hấp thu chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, trẻ thiếu vi chất kéo dài thường có biểu hiện biếng ăn, còi cọc. ​
  • Trẻ đang trong giai đoạn thay đổi sinh lý: Trong quá trình phát triển, đôi khi ba mẹ thấy trẻ phát triển khá nhanh, nhưng có lúc như bị chững lại. Đây cũng chỉ là nguyên nhân tạm thời. Sau một thời gian quen dần và ổn định cơ thể, chuyện ăn uống của trẻ sẽ trở lại bình thường. Ba mẹ cần quan tâm chăm sóc và kiên trì với trẻ hơn. ​

► Một vài bí quyết về chế độ dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn ​
 
  • Đối với trẻ sơ sinh: Mẹ có thể cho trẻ bú nhiều lần hơn nếu thời gian mỗi lần bú ít hơn bình thường, và mẹ có thể vắt hoặc hút sữa và trữ lại để cho trẻ dùng nhiều lần trong ngày. ​
  • Đối với trẻ lớn: ​
    • Nên cho ăn các loại thức ăn phù hợp khả năng nhai nuốt của trẻ, đa dạng, dễ tiêu hoá và chia thành bữa nhỏ. ​
    • Cần thay đổi thức ăn và cho trẻ ăn những loại thức ăn trẻ tỏ ra thích hơn để khuyến khích trẻ ăn được nhiều, kích thích sự thèm ăn. ​
    • Cần tạo tâm lý thoải máI, vui thú khi ăn, sẽ giúp sẽ yêu thích và mong chờ tới bữa ăn. ​

► Bên cạnh đó bố mẹ cần:
 
  1. Xây dựng chế độ ăn đa dạng, cân bằng ​
  • Bổ sung chất đạm: thịt nạc, cá, hải sản, trứng, sữa, sữa chua, phô mai, đậu hũ và các loại đậu… ​
  • Bổ sung tinh bột: cơm, bún, mì, phở, các sản phẩm từ ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, bánh mì nâu) cho bé từ 1 tuổi trở lên ​
  • Bổ sung chất xơ: rau củ quả tươi, trái cây, ngũ cốc nguyên cám,… ​
  • Bổ sung chất béo tốt: dầu ô liu, dầu hướng dương, trái bơ,… ​
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: rau củ quả, trái cây . ​
 
  1. Không ép bé ăn và chia nhỏ các bữa ăn

Khẩu phần ăn quá nhiều sẽ khiến bé bị ngấy, dẫn đến biếng ăn hoặc chậm tăng cân. Thay vì ép bé ăn, quát mắng, la rầy bố mẹ nên thay đổi cách chế biến, đa dạng món ăn. Đặc biệt chia nhỏ thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ, cách nhau từ 2-3 giờ để đảm bảo dạ dày bé tiêu hóa hết thức ăn, đồng thời tạo thời gian vừa đủ để khiến bé đói và hào hứng ăn khi đến bữa tiếp theo. ​
 
  1. Bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa ​

Sữa là thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hoá, không chỉ là nguồn cung cấp đạm mà còn bổ sung canxi để xương bé chắc khỏe, cao lớn. Đối với những bé nhẹ cân, bố mẹ hãy ưu tiên sữa có chứa đạm chất lượng cao và sữa chua có các loại lợi khuẩn để giúp bé hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. ​

► Đồng thời bố mẹ cần lưu ý các vấn đề như sau: ​
 
  • Không tăng cường số bữa ăn cho trẻ mặc dù mỗi bữa trẻ chỉ ăn rất ít hoặc bỏ ăn. ​
  • Không nấu loãng hơn bình thường (cho ít chất đạm, dầu mỡ hơn bình thường) khiến cho trẻ đã ăn ít hơn về lượng lại càng bị thiệt thòi về chất. ​
  • Hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, nội tạng, …​

Thói quen ăn uống và sở thích của mỗi trẻ là khác nhau vì vậy chế độ ăn uống và vận động cần được cá nhân hóa cho từng trẻ chứ không có một thực đơn hoặc chế độ ăn uống nào áp dụng được cho tất cả. ​

Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh Nhi khoa, bao gồm: Kiểm tra sức khỏe tổng quát; tiêm vaccine; theo dõi sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ; tư vấn về dinh dưỡng và các dịch vụ chẩn đoán, điều trị bệnh. ​

Khu khám Nhi tại AIH được phân chia thành 2 khu vực riêng biệt: khu dành cho trẻ khỏe và khu dành cho trẻ có bệnh, với mục đích phân luồng bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo. Khi trẻ đến bệnh viện có những triệu chứng nghi mắc bệnh, trẻ sẽ được đưa vào khu khám riêng, nhờ đó có thể chọn lọc và cách ly bệnh ngay từ đầu. 

--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: (Lối vào 199 Nguyễn Hoàng) Số 6, Đường Bắc Nam 3, Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.