Đau cổ tay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như bong gân, gãy xương, viêm khớp hoặc hội chứng ống cổ tay. Do đó, việc hiểu đúng và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau là rất quan trọng để có phương pháp điều trị và phục hồi hiệu quả cho bệnh nhân.
► Đau cổ tay là gì?
Khớp cổ tay là một khớp phức tạp được cấu tạo bởi xương, cơ bắp, dây thần kinh, gân, dây chằng và mạch máu.
Đau cổ tay là tình trạng đau hay khó chịu ở khớp cổ tay. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe hoặc chấn thương khác nhau ảnh hưởng đến cổ tay. Dựa vào vị trí đau, có thể phân loại đau cổ tay thành hai nhóm:
-
Đau cổ tay bên trụ (Ulnar wrist pain): Đau ở cùng phía cổ tay với xương trụ, là vị trí nằm ở phía ngón út.
-
Đau cổ tay bên quay (Radial wrist pain): Đau ở cùng phía cổ tay với xương quay, là vị trí nằm ở phía ngón cái.
► Đối tượng nào dễ bị đau cổ tay?
Đau cổ tay có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng đặc biệt phổ biến với những nhóm đối tượng sau:
-
Người chơi thể thao: Chấn thương cổ tay khá phổ biến trong nhiều môn thể thao, bao gồm cả những môn thể thao có khả năng va chạm cao và những môn thể thao sử dụng các động tác lặp đi lặp lại tạo áp lực lên cổ tay như bóng đá, bowling, golf, thể dục dụng cụ, trượt tuyết, quần vợt,…
-
Người thường xuyên thực hiện các công việc liên quan đến cổ tay lặp đi lặp lại: Thường gặp đối với các ngành nghề như thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng, thợ may, đầu bếp hoặc phụ nữ sau sinh thường xuyên chăm sóc, bồng bế em bé.
-
Người mắc một số bệnh lý hoặc tình trạng có thể gây ra đau cổ tay: Mang thai, tiểu đường, béo phì, viêm khớp dạng thấp và bệnh gút có thể làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng ống cổ tay.
► Nguyên nhân gây đau cổ tay
Tổn thương ở xương và mô trong cổ tay do chấn thương đột ngột hoặc các bệnh lý tiến triển dần theo thời gian là những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau cổ tay, thường gặp nhất phải kể đến:
-
Chấn thương do hoạt động quá mức hoặc chịu lực bởi các hành động lặp đi lặp lại thường xuyên.
-
Bong gân cổ tay.
-
Chấn thương do chơi thể thao.
-
Té ngã.
-
Gãy xương.
-
Chấn thương dây thần kinh hoặc dây thần kinh bị chèn ép.
-
Hội chứng ống cổ tay.
-
Viêm gân cổ tay.
-
Viêm khớp cổ tay.
-
Viêm bao hoạt dịch.
-
U nang hạch.
-
Nhiễm trùng.
-
Bệnh Kienböck.
► Triệu chứng khi bị đau cổ tay
Các triệu chứng thường gặp tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau cổ tay và mức độ thương tổn:
-
Đau, sưng và bầm tím, khó di chuyển cổ tay hoặc cầm nắm.
-
Đau, sưng và cứng ở gốc ngón tay trong thời gian dài, khó di chuyển ngón tay và ngón cái, có thể xuất hiện cục u.
-
Đau âm ỉ, đau nhiều hơn về đêm, cảm giác tê hoặc kim châm, ngón cái yếu hoặc khó cầm nắm.
-
Xuất hiện cục u gần khớp hoặc gân, có thể đau.
-
Đau nhói đột ngột, sưng, có tiếng kêu lách cách hoặc tiếng bốp ở vị trí đau.
► Chẩn đoán khi bị đau cổ tay
Hầu hết các trường hợp đau cổ tay đều nhẹ và sẽ tự khỏi khi nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng không thuyên giảm hoặc trở nên tệ hơn sau vài ngày, bệnh nhân sẽ cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các phương pháp sau để đánh giá tình trạng và nguyên nhân gây đau:
-
Gập cổ tay về phía trước trong 60 giây để xem có xuất hiện cảm giác tê hoặc kim châm không.
-
Gõ vào vùng gần dây thần kinh giữa để kiểm tra có cảm giác đau không.
-
Kiểm tra sức mạnh của cổ tay và các ngón tay.
-
Chụp X-quang cổ tay để đánh giá xương và khớp.
-
Thực hiện điện cơ đồ để đánh giá sức khỏe của cơ bắp và dây thần kinh.
-
Kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh để đo lường mức độ tổn thương dây thần kinh.
-
Xét nghiệm nước tiểu và máu để phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn.
-
Lấy mẫu dịch nhỏ từ các khớp để kiểm tra tinh thể hoặc canxi.
► Điều trị đau cổ tay như thế nào?
Một số phương pháp điều trị đau cổ tay phổ biến bao gồm:
-
Nghỉ ngơi: Dành thời gian nghỉ ngơi, tạm dừng chơi thể thao hoặc giảm cường độ công việc sẽ giúp cổ tay có thời gian hồi phục.
-
Chườm đá: Đặt một túi chườm đá hoặc khăn lạnh lên vùng đau trong 10 đến 15 phút, tần suất vài lần một ngày có thể hiệu quả trong việc giảm đau. Lưu ý không để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp lên da mà nên bọc trong một lớp khăn hoặc vải.
-
Sử dụng thuốc chống viêm: Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như Naproxen, Ibuprofen hoặc Corticosteroid để giúp giảm đau và giảm sưng.
-
Điều chỉnh tư thế: Thay đổi vị trí tay trong các động tác lặp đi lặp lại có thể giảm căng thẳng lên cổ tay gây đau.
-
Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu có thể hỗ trợ việc tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt cho cổ tay.
-
Cố định cổ tay: Dùng nẹp, băng hoặc đai để giữ cổ tay ở vị trí cố định và giúp giảm áp lực lên cổ tay trong khi hồi phục.
-
Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân gây đau cổ tay ở mức độ nặng, các cách điều trị bảo tồn không thể đáp ứng thì trong các trường hợp sau, bác sĩ có thể đề nghị phương án phẫu thuật để loại bỏ khối u, sửa chữa chèn ép dây thần kinh, rách gân hoặc dây chằng, sửa chữa xương gãy hoặc điều trị viêm khớp. Phẫu thuật cổ tay có thể là phẫu thuật mở hoặc nội soi.
► Phòng ngừa đau cổ tay
Đối với nhân viên văn phòng hoặc người thường sử dụng máy tính, các cách sau có thể giúp hạn chế tình trạng đau cổ tay:
-
Điều chỉnh vị trí đặt bàn phím sao cho cổ tay không bị cong lên khi gõ.
-
Hạn chế việc sử dụng tay liên tục, nên có khoảng dừng và thư giãn tay để cổ tay được nghỉ ngơi.
-
Sử dụng đệm cổ tay khi dùng bàn phím, chuột.
-
Ngoài ra, bạn có thể luân phiên tay sử dụng chuột hoặc tập sử dụng chuột bằng tay không thuận.
Tạo thói quen sống lành mạnh, an toàn cũng là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ chấn thương cho cổ tay:
-
Luôn luôn thắt dây an toàn khi ngồi trong xe.
-
Sử dụng dụng cụ bảo vệ cổ tay khi chơi các môn thể thao mạo hiểm hoặc va chạm như trượt ván, patin, khúc côn cầu,…
-
Đảm bảo không gian sống và làm việc ngăn nắp gọn gàng để tránh gây vấp ngã cho bản thân hoặc người khác.
-
Sử dụng công cụ hoặc thiết bị phù hợp để mang vác hoặc lấy đồ vật ở nhà. Không bao giờ đứng trên ghế, bàn, mặt bàn để với tay lấy đồ hoặc khiêng vác vật quá nặng mà không có dụng cụ hỗ trợ.
-
Sử dụng gậy, khung tập đi hoặc thiết bị hỗ trợ khác nếu bạn gặp khó khăn khi đi lại hoặc có nguy cơ té ngã cao.
► Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), chúng tôi cung cấp các giải pháp điều trị khác nhau cho các vấn đề cơ xương khớp bao gồm: Chẩn đoán chỉnh hình, điều trị bảo tồn, phẫu thuật và phục hồi chức năng chỉnh hình.
Quan trọng nhất, bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sẽ cùng phối hợp với bác sĩ vật lý trị liệu phục hồi chức năng để lên kế hoạch điều trị và thiết kế bài tập riêng cho từng bệnh nhân dựa trên đánh giá bệnh nhân qua nhiều yếu tố: mức độ bệnh, nghề nghiệp, thói quen chơi thể thao, những bệnh lý khác của bệnh nhân, thời gian tập luyện phù hợp với bệnh nhân.
Bên cạnh đó, AIH được trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại để hỗ trợ giảm đau, rút ngắn thời gian phục hồi sức khỏe, không gian điều trị lý tưởng hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh tham gia tập luyện, sớm vận động bình thường trở lại.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.