Hiện nay, thừa cân và béo phì đang trở thành một vấn nạn không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Ý thức được điều đó, nhiều người đã tìm đến nhiều phương pháp giảm cân khác nhau, trong đó có phương pháp giảm tinh bột, nhằm giảm hoặc duy trì cân nặng. Phương pháp này bắt nguồn từ trào lưu ăn low-carb, rất phổ biến trên mạng xã hội những năm gần đây. Low-carb có nghĩa là low carbohydrate (chế độ ăn giảm nhóm bột đường), tuy nhiên các tài liệu ở Việt Nam lại dịch là chế độ ăn ít “tinh bột”, gây hiểu nhầm rằng “tinh bột” làm tăng cân và cần phải hạn chế.
Thức ăn nhiều tinh bột làm tăng cân?
Thực sự, chúng ta cần hiểu rằng carbohydrate hay nhóm bột đường bao gồm:
- Dạng đơn giản (có vị ngọt) như: đường mía, siro, đường mạch nha.
- Dạng phức hợp (do nhiều đường đơn liên kết lại): tinh bột như cơm, khoai, bắp, bánh mì.
Không phải tất cả thực phẩm trong nhóm bột đường cần phải được hạn chế. Cái có hại và cần hạn chế tối đa là các thực phẩm thuộc dạng đơn giản của nhóm bột đường (đường mía, siro, đường mạch nha) vì các chất này sẽ hấp thu rất nhanh vào cơ thể, kích thích quá trình tích lũy mỡ trong cơ thể, ngoài ra còn làm cho cơ thể mau cảm thấy đói và điều này càng kích thích việc tiêu thụ thêm nhiều thực phẩm để giảm đói. Đó là lý do những người thích ăn ngọt thường mũm mĩm, rất dễ bị béo bụng và khó giảm cân.
Về tinh bột (dạng phức hợp), chúng ta cần ăn đủ lượng theo nhu cầu vì đây là nhóm cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Ngoài ra, tinh bột còn chứa nhiều các vitamin nhóm B và chất xơ cần thiết cho cơ thể.
Ăn dư thừa bất cứ thực phẩm nào đều dẫn tới nguy cơ tăng cân
Tóm lại, tăng cân là kết quả của việc nạp năng lượng nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Do đó việc ăn dư thừa bất cứ thực phẩm nào, bao gồm thịt/cá/trứng, dầu mỡ, tinh bột, ngay cả rau và trái cây, đều dẫn tới nguy cơ tăng cân. Vì vậy, để giảm hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh, chúng ta cần:
- Hạn chế tối đa các món ăn có bổ sung thêm đường như chè, mứt, nước ngọt…
- Giảm lượng đường nêm nếm trong bữa ăn hàng ngày.
- Đọc nhãn thực phẩm và chú ý các thực phẩm có bổ sung đường như các loại sốt chấm – sốt cà chua, tương ớt, sốt ướp thịt
- Nên ăn các loại tinh bột/hạt còn nguyên cám thay vì loại đã xay xát kỹ như gạo lức, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, bắp.
- Ăn đủ lượng rau và trái cây trong mỗi bữa ăn nhằm đảm bảo đủ chất xơ, giúp no lâu và kiểm soát cơn đói một cách hiệu quả.
- Chỉ ăn các loại thịt nạc, không ăn lòng, phèo, nội tạng, da, mỡ động vật.
- Hạn chế tối đa thực phẩm chiên. Nếu chiên xào thực phẩm thì nên dùng dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu oliu…, không dùng mỡ động vật (ngay cả mỡ cá).
ThS. Trần Thị Ngọc Châu
Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Mỹ