Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

BỆNH THOÁT VỊ HOÀNH BẨM SINH HIẾM GẶP Ở TRẺ LỚN

Đối với bệnh thoát vị hoành bẩm sinh (CDH) ở trẻ lớn và thanh thiếu niên, các triệu chứng của bệnh bao gồm dấu hiệu thoát vị gây chèn ép tim phổi cấp, buồn nôn, nôn mửa nhiều lần, tiêu chảy, táo bón… đây là một số dấu hiệu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy khi trẻ có những dấu hiệu này, bố mẹ không nên chủ quan mà hãy đưa trẻ đến các cơ sở uy tín càng sớm càng tốt để được chẩn đoán bệnh chính xác và kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.  

Sau 2 lần khám nhưng triệu chứng bệnh không thuyên giảm…

Vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tiếp nhận một ca thoát vị hoành bẩm sinh ở một bé nam 7 tuổi đến từ Đồng Nai. Theo gia đình, ban đầu bé có những dấu hiệu như đau bụng, nôn ói nhiều lần, táo bón, ho ít đàm, không sốt, sau đó đã khám và nhập viện tại địa phương, đã được chỉ định thực hiện siêu âm bụng và xét nghiệm máu nhưng tình trạng nôn ói và đau bụng không cải thiện. Đến ngày thứ 2 của bệnh, gia đình chuyển bé lên TP.HCM khám tại một bệnh viện chuyên khoa Nhi, được bác sĩ siêu âm bụng lại lần 2 và cho toa thuốc về uống. Tuy nhiên tình trạng bệnh của bé vẫn không thuyên giảm, ngược lại bé nôn liên tục, đau bụng tăng dần, khó thở, không nằm được, phải ngủ ngồi suốt mấy ngày liền.  

Nhận thấy bệnh càng lúc nghiêm trọng, đến ngày thứ 4 của bệnh, gia đình đã đưa bé đến khám tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH). Tại đây, bé có dấu hiệu mệt mỏi, vật vã, tái môi với khí trời, SpO2 92-93%, ngồi thở, không nằm được, huyết áp khó đo. Phục hồi màu sắc da 3 giây. Tim nghe rõ bên phải 180 lần/ phút, không âm thổi, bên trái mờ. Phổi trái không nghe phế âm, lồng ngực trái nhô cao hơn phải, không dấu tràn khí dưới da. Thở co lõm nhẹ 48 lần/ phút. Bụng gồng không khám được, không chướng. ​Dựa trên tình trạng bệnh và sau khi thăm khám, bác sĩ Trần Thị Lam nghi ngờ bé bị tràn khí màng phổi trái gây chèn ép tim/ sốc tim. Bé nhanh chóng được chuyển cấp cứu, thở oxy, lập đường truyền và chụp X-quang ngực thẳng, siêu âm bụng, siêu âm tim khẩn tại giường.    

Kết quả X-quang cho thấy tim bị lệch sang phải do chèn ép nhưng không phải do tràn khí màng phổi mà do dạ dày thoát vị lên thành ngực dãn lớn gây chèn ép. Bé nhanh chóng được đặt ống thông sonde dạ dày và rút ra được 680ml dịch dạ dày kèm hơi. Sau khi giải áp dạ dày, bé tỉnh hơn, môi hồng, SpO2 98%/ oxy canula, mạch quay rõ 140 lần/phút, huyết áp 110/80mmHg, thở co lõm nhẹ 30 lần/ phút, phế âm bên phổi trái cải thiện, tim đều 140 lần/ phút, nghe bên trái rõ hơn, bụng mềm và bé có thể nằm được. Bé lập tức được hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi và được chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Bé được phẫu thuật chiều cùng ngày và đã xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh. 



► Những triệu chứng của bệnh thoát vị hoành ở trẻ lớn:

Thoát vị hoành là bệnh lý tổn thương của cơ hoành qua đó các tạng trong ổ bụng di chuyển lên khoang lồng ngực qua các lỗ của cơ hoành. Tỷ lệ thoát vị hoành bẩm sinh (CDH) khoảng 4,8 / 10.000 trẻ sinh sống. Biểu hiện lâm sàng điển hình của nó là suy hô hấp xảy ra ngay sau khi sinh hoặc trong vài giờ hoặc vài ngày đầu đời của trẻ. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Đồng thời CDH hoàn toàn có thể xảy ra ở trẻ độ tuổi lớn hơn, với tỉ lệ hiếm gặp (<3%). 

Theo bác sĩ Phạm Công Luận – Trưởng Khoa Nhi – Sơ sinh, bệnh thoát vị hoành bẩm sinh (CDH) ở trẻ lớn và thanh thiếu niên thường bị bỏ sót, đồng thời bố mẹ thường chủ quan với những triệu chứng của bệnh vì dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Các triệu chứng của CDH ở trẻ lớn bao gồm dấu hiệu thoát vị gây chèn ép tim phổi cấp, buồn nôn, nôn mửa nhiều lần, tiêu chảy, táo bón, giãn dạ dày cấp tính, đau vùng dưới sườn, chậm lớn và nhiễm trùng hô hấp tái phát… Khi có những triệu chứng trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở uy tín càng sớm càng tốt để được các chuyên gia tư vấn, chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và chụp X-quang để đánh giá đúng về bệnh, đồng thời có hướng điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.   

Tại Khoa Nhi – Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Nhi giàu kinh nghiệm sẽ trực tiếp thăm khám và dành nhiều thời gian cho từng ca bệnh, khai thác chi tiết tiền sử bệnh của trẻ nhằm đánh giá chính xác nhất các biểu hiện của bệnh, tránh bỏ sót và hạn chế những biến chứng nguy hiểm, những bệnh lý hiếm gặp… Bên cạnh đó, với trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại, hỗ trợ nhanh chóng các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang, nhằm đưa ra chỉ định cần thiết và có hướng xử lý kịp thời.



Tài liệu tham khảo

1. Kadian, YogenderSingh; Rattan, KamalNain; Verma, Manish; Kajal, Pradep (2009). Congenital diaphragmatic hernia: Misdiagnosis in adolescence. Journal of Indian Association of Pediatric Surgeons, 14(1), 31
2. Batts S, Thompson MW, Person DA. Late presentation of diaphragmatic hernia in a Pacific Island pediatric population. Hawaii Med J. 2009 Apr;68(3):59-61. PMID: 19441615
3. Maciej Bagłaj; Urszula Dorobisz (2005). Late-presenting congenital diaphragmatic hernia in children: a literature review., 35(5), 478–488.
4. Banac S, Ahel V, Rozmanić V, Gazdik M, Saina G, Mavrinac B. Prirodena dijafragmalna hernija u veće djece [Congenital diaphragmatic hernia in older children]. Acta Med Croatica. 2004;58(3):225-8. Croatian. PMID: 15503687
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.