Rối loạn nhịp tim là bệnh lý không thường gặp ở phụ nữ mang thai. Có 0,17% phụ nữ mang thai bị rối loạn nhịp tim. Tuy vậy, lo lắng của hầu hết phụ nữ mắc bệnh lý tim mạch khi mang thai là ảnh hưởng của bệnh đối với thai nhi và bản thân. Cùng Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tìm hiểu về rối loạn nhịp tim khi mang thai mẹ nhé!
►RỐI LOẠN NHỊP TIM Ở PHỤ NỮ MANG THAI DO ĐÂU?
Theo ThS. BS. Dương Thúy Liên – Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), khi mang thai, thể tích huyết tương trong máu của mẹ tăng sẽ làm giảm nồng độ Hb máu, lưu lượng máu do tim bóp đi mỗi phút cũng tăng 30 – 50% để nuôi dưỡng và cung cấp oxy liên tục cho thai nhi. Trong thời gian chuyển dạ, cung lượng tim cũng tăng khoảng 20% với mỗi lần co bóp tử cung.
Những thay đổi trong thai kỳ kể trên có thể làm quá tải hệ thống tim mạch, thường làm nặng hơn các rối loạn về tim. Do đó, thai phụ có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như bệnh tim cấu trúc, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh cơ tim, suy tim, thấp tim, van hai lá,… có tỷ lệ rối loạn nhịp cao hơn. Trong thai kỳ, nếu mẹ bầu gặp tình trạng thiếu máu, tiền sản giật, suy hay cường giáp cũng dễ bị rối loạn nhịp tim hơn.
►RỐI LOẠN NHỊP TIM TRONG THAI KỲ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Những nguy cơ của rối loạn nhịp tim và tác dụng của thuốc chống loạn nhịp ở phụ nữ mang thai trong giai đoạn thai kỳ gồm:
-
Tỷ lệ tử vong, rối loạn nhịp tim gia tăng cho cả mẹ và thai nhi
-
Do sự gia tăng thể tích huyết tương nhưng giảm protein huyết tương trong máu mẹ khi mang thai, các thuốc điều trị rối loạn nhịp thường khó duy trì nồng độ và giảm gắn kết của thuốc.
-
Tăng tưới máu thận, tăng chuyển hóa tại gan làm tăng sự đào thải thuốc.
-
Một số thuốc điều trị dù dùng với nồng độ thấp vẫn có khả năng gây bất thường thai nhi nếu dùng trước tuần thứ 8.
-
Các thuốc qua nhau thai và sữa mẹ, các tác dụng phụ có xu hướng tăng lên do có thay đổi chuyển hóa và hấp thu thuốc khi có thai.
-
Bên cạnh đó, sự lo lắng về ảnh hưởng của bệnh đến thai nhi khiến tâm lý của mẹ thường bất ổn và nhạy cảm hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, phụ nữ có bệnh lý tim mạch vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nếu chủ động phòng ngừa và phát hiện, xử trí kịp thời rối loạn nhịp tim trong thai kỳ.
►PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN NHỊP TIM
Trước khi mang thai, phụ nữ có nguy cơ rối loạn nhịp tim cao cần tham khảo ý kiến chuyên môn từ bác sĩ để được đánh giá và có phương án điều trị thích hợp.
Nếu rối loạn nhịp tim khi mang thai không dẫn đến các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp không dùng thuốc như điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống, khám thai định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định như xét nghiệm sinh hóa, siêu âm tim, điện tâm đồ để theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh.
Đối với trường hợp cần sử dụng thuốc, ThS. BS. Dương Thúy Liên cho biết, việc điều trị cần có sự phối hợp chặt chẽ đặc biệt giữa các chuyên khoa Tim – Sản – Gây Mê để thống nhất kế hoạch điều trị hiệu quả nhất cho thai phụ mà không gây tổn hại nặng nề cho thai nhi. Việc sử dụng thuốc và thủ thuật xâm lấn được cân nhắc kỹ lưỡng.
Ngoài ra, mẹ bầu bị rối loạn nhịp tim cũng cần lưu ý:
-
Nên vận động nhẹ nhàng, đi lại thường xuyên. Khi đi cầu thang, cần đi chậm, nếu cảm thấy khó thở và tim đập nhanh cần dừng lại nghỉ ngơi.
-
Cần chú ý nghỉ ngơi, không làm việc quá sức.
-
Giữ tâm trạng lạc quan, vui vẻ trong suốt thai kỳ. Tránh lo lắng, căng thẳng quá mức.
-
Hạn chế ăn mặn và sử dụng thức ăn có nhiều chất béo xấu như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh,...
-
Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, chất xơ như trái cây, các loại rau củ, ngũ cốc nguyên hạt,…
-
Không sử dụng rượu bia, chất kích thích, đồ uống có caffein,...
Liên hệ Hotline (028) 3910 9999 hoặc INBOX Fanpage “AIH – American International Hospital” để được tư vấn chi tiết.
--------------------
☎ Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
- Hotline: (028) 3910 9999
- Website: www.aih.com.vn
- Địa chỉ: (Lối vào 199 Nguyễn Hoàng) Số 6, Đường Bắc Nam 3, Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh