Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

ĐAU MẮT CÁ CHÂN: ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ

Đau mắt cá chân là tình trạng khá phổ biến, thường xảy ra sau khi bị té ngã, bong gân, chấn thương thể thao… Tuy nhiên, các triệu chứng đau nhức ở vùng mắt cá chân thường khá nghiêm trọng, làm hạn chế việc đi lại và ảnh hưởng đến khả năng vận động, gây đau sưng cho người bệnh. Dưới đây là một số gợi ý hướng xử trí hiệu quả khi bị đau mắt cá chân.
 
Đau mắt cá chân là gì? 
 
Đau mắt cá chân là tình trạng gây khó chịu, đau nhức ở vùng khớp mắt cá chân, cổ chân, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đau mắt cá chân có thể xảy ra vì nhiều lý do. Nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm chấn thương, viêm khớp… Tùy thuộc vào nguyên nhân, bạn có thể cảm thấy đau bất kỳ chỗ nào xung quanh mắt cá chân. Mắt cá chân cũng gây ra tình trạng viêm, sưng lên và làm bạn khó di chuyển một cách bình thường.
  
Thông thường, đau mắt cá chân sẽ cải thiện với việc nghỉ ngơi, chườm đá và sử dụng thuốc giảm đau, và thường không cần can thiệp phẫu thuật để điều trị. Tuy nhiên, chấn thương mắt cá chân nghiêm trọng đặc biệt là gãy xương sẽ cần cần phẫu thuật, nếu tình trạng này không cải thiện sau khi thử các phương pháp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu.
 

Đối tượng nào thường bị đau mắt cá chân?
 
• Tham gia thể thao:
Chấn thương cổ chân (trật khớp cổ chân) là một chấn thương phổ biến trong thể thao, đặc biệt là trong các môn thể thao yêu cầu nhảy, hành động xoay chân như bóng rổ, quần vợt, bóng đá, bóng bầu dục và chạy bộ. 
 
• Di chuyển trên bề mặt không bằng phẳng:
Đi hoặc chạy trên bề mặt không bằng phẳng hoặc điều kiện sân tập kém có thể làm tăng nguy cơ trật khớp cổ chân.
 
• Chấn thương cổ chân trước đó:
Một khi bạn đã bị trật khớp cổ chân hoặc chấn thương loại khác, bạn có nguy cơ bị trật khớp cổ chân lại cao hơn. 
 
Tình trạng thể chất kém:
Sức mạnh hoặc độ linh hoạt kém ở cổ chân có thể làm tăng nguy cơ trật khớp khi tham gia thể thao.
 
Đi giày không phù hợp:
Giày không vừa vặn hoặc không phù hợp với hoạt động, cũng như giày cao gót nói chung, làm cho cổ chân dễ bị chấn thương hơn.
 
Nguyên nhân gây đau mắt cá chân 
 
Một số chấn thương phổ biến nhất gây đau mắt cá chân bao gồm:
 
Chấn thương thể thao
Bong gân mắt cá chân 
Viêm gân (viêm gân cơ mác hoặc viêm gân gót chân Achilles) 
Viêm bao hoạt dịch 
Chấn thương gân gót chân Achilles (bao gồm cả rách gân Achilles) 
Gãy mắt cá chân (gãy xương mắt cá) 
Hội chứng đường hầm cổ chân (TTS) 
 
Bất kỳ tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến các khớp đều có thể gây đau mắt cá chân. Một số tình trạng phổ biến nhất bao gồm:
  
Viêm khớp bàn chân và mắt cá chân 
Viêm khớp dạng thấp
Viêm cột sống dính khớp
Lupus
Bàn chân bẹt
Bàn chân vòm cao (hay còn gọi là lõm)
Nhiễm trùng hình thành hoặc lan rộng trong mắt cá chân (bao gồm viêm mô tế bào và viêm tủy xương)
 


Triệu chứng thường gặp khi đau mắt cá chân
 
Đau, sưng, bầm tím bắt đầu sau khi tập thể dục cường độ cao 
• Đau ở mắt cá chân và gót chân, đau ở bắp chân khi đứng bằng ngón chân
• Đỏ và sưng, đau âm ỉ
• Đau đột ngột và nhói, sưng, âm thanh nứt hoặc bật trong quá trình chấn thương, khó đi lại, mắt cá chân ở một góc không bình thường
 
Biến chứng 
 
Nếu không điều trị đau mắt cá chân đúng cách và kịp thời, hoặc tham gia vào các hoạt động quá sớm sau khi bị trật khớp cổ chân hoặc bị trật khớp cổ chân nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng sau:
 
• Đau cổ chân mãn tính: Đau có thể kéo dài lâu dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
• Không ổn định khớp cổ chân mãn tính: Khớp cổ chân có thể trở nên kém ổn định, dễ bị trật lại.
• Viêm khớp ở khớp cổ chân: Có thể phát triển thành viêm khớp, dẫn đến đau và hạn chế phạm vi chuyển động.

Chẩn đoán đau mắt cá chân

Khám lâm sàng
 
Khám lâm sàng là bước cơ bản trong việc đánh giá đau mắt cá chân. Bác sĩ sẽ ấn vào những vùng cụ thể xung quanh bàn chân và mắt cá chân để xác định vị trí đau, cũng như đánh giá sự thẳng hàng của bàn chân… 

Xét nghiệm máu
 
Đôi khi, xét nghiệm máu có thể được yêu cầu để loại trừ bệnh gout, nhiễm trùng hoặc viêm khớp. Các xét nghiệm này có thể giúp phát hiện mức độ axit uric tăng cao hoặc các kháng thể cụ thể, hỗ trợ trong việc chẩn đoán phân biệt. 

Chẩn đoán hình ảnh
 
Chụp X-quang là công cụ chẩn đoán hình ảnh đầu tiên được sử dụng để đánh giá các chấn thương, gãy xương và viêm khớp ở mắt cá chân. Trong những trường hợp phức tạp hơn hoặc khi nghi ngờ có chấn thương mô mềm, bác sĩ có thể khuyến nghị chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để cung cấp hình ảnh chi tiết hơn. 
 
Chẩn đoán phân biệt
 
Chẩn đoán phân biệt là một nhóm các chẩn đoán có thể giải thích các triệu chứng của bạn. Thông qua việc lấy lịch sử bệnh kỹ lưỡng, khám lâm sàng và xem xét hình ảnh, bác sĩ có thể xác định chính xác chẩn đoán của mình và giúp bạn có một kế hoạch điều trị phù hợp.


Điều trị đau mắt cá chân như thế nào? 
 
Hạn chế chơi thể thao hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất mạnh gây thêm căng thẳng cho mắt cá chân của bạn cho đến khi bác sĩ đánh giá tình trạng và cho lời khuyên chính xác. Thực hiện theo phương pháp RICE ngay khi bạn nhận thấy đau hoặc các triệu chứng khác:
 
Rest - Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động gây chấn thương hoặc làm đau mắt cá chân, hạn chế vận động ở vùng bị thương, để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn.    
Ice - Chườm đá: Phương pháp chườm đá rất hữu dụng để giảm sưng và đau. Áp dụng túi đá được bọc trong khăn mỏng lên mắt cá chân trong 15 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày.   
Compression - Băng ép: Bạn có thể băng mắt cá chân bằng băng đàn hồi để giúp giảm sưng. Lưu ý không nên không quá chặt vì có thể gây cản trở lưu thông máu, khiến cơn đau trầm trọng hơn.   Elevation – Kê cao vị trí chấn thương: Đặt mắt cá chân cao hơn mức tim của bạn càng thường xuyên càng tốt.


Nếu cơn đau kéo dài hơn vài ngày hoặc không cải thiện sau khi bạn thử các phương pháp điều trị tại nhà, bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử trí kịp thời. Các phương pháp điều trị phổ biến cho đau mắt cá chân bao gồm: 
 
Thuốc chống viêm: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) không kê đơn — như naproxen hoặc ibuprofen — giúp giảm đau và giảm sưng. Bác sĩ cũng có thể kê đơn corticosteroids (thuốc kê đơn điều trị viêm). 
Dùng dụng cụ cố định chân hoặc thay đổi giày: Dụng cụ cố định chân là các miếng lót giày, nẹp hỗ trợ bàn chân và mắt cá chân của bạn. Bạn cũng có thể cần thay đổi loại giày để thích hợp trong một số hoạt động nhất định. 
Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn các bài tập để tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt của mắt cá chân.  
Cố định mắt cá chân: Bạn có thể cần đeo nẹp, băng hoặc bó bột để giữ mắt cá chân cố định và giảm áp lực trong quá trình hồi phục. 
Hút dịch khớp: Bác sĩ đưa kim vào mắt cá chân để loại bỏ dịch thừa gây sưng.  
Phẫu thuật mắt cá chân: Trường hợp phục hồi chức năng không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật mắt cá chân thường có thể được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu, ưu điểm của phương pháp này là ít đau và giúp người bệnh phục hồi nhanh.

Phòng ngừa
 
Cách tốt nhất để ngăn ngừa đau là lưu ý giữ an toàn khi tham gia hoạt động thể chất. Trong quá trình chơi thể thao hoặc thực hiện các hoạt động thể chất khác cần lưu ý:
 
Mang thiết bị bảo vệ phù hợp khi tham gia thể thao để bảo vệ mắt cá chân. 
Cho cơ thể thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sau khi tham gia hoạt động cường độ cao.
Dành thời gian khởi động với các bài kéo giãn cổ chân trước khi chơi thể thao hoặc tập luyện.
Kéo giãn cơ sau khi hoạt động thể chất.

--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.