Cao huyết áp thai kỳ là gì ?
Tăng huyết áp (Cao huyết áp tên gọi thông thường) là tình trạng bệnh lý thường xảy ra nhất trong thai kỳ, ảnh hưởng 5-10% phụ nữ mang thai trên thế giới, là nguyên nhân chính của bệnh tật và tử vong đối với mẹ khoảng 12%, thai và sơ sinh khoảng 10%.
Nguy cơ của tăng huyết áp đối với mẹ gồm nhau bong non, đột quỵ, suy đa cơ quan và rối loạn đông máu. Trong khi đó, thai nhi có nguy cơ cao chậm phát triển trong tử cung (25% trường hợp tiền sản giật), sanh non (27% trường hợp tiền sản giật) và thai chết lưu (4% trường hợp tiền sản giật).
Tiền sản giật là gì?
- HA cao từ 140/90mmHg, xảy ra sau tuần 20 ở sản phụ mà trước đó huyết áp bình thường và huyết áp trở về bình thường trong vòng 3 tháng (12 tuần) sau sinh. ĐẠM NIỆU: Que thử Đạm niệu 1+ hoặc đoạm niệu 24h > 300mg hoặc tỉ lệ protein/creatinine ≥ 0.3 (mg/dL).
- Tiền sản giật là bệnh lý do thai, do đó sau khi sanh hoặc mổ, huyết áp sẽ về bình thường. Do đó, cách điều trị hiệu quả khi bị tiền sản giật là phải chấm dứt thai kỳ.
- Thời điểm nào phải chấm dứt thai kỳ đối với Tiền sản giật (TSG)?
+ Khi đủ 34 tuần nếu TSG có dấu hiệu nặng (như nhức đầu, chóng mặt, đau thượng vị, bất thường về xét nghiệm máu, huyết áp kiểm soát không ổn định...).
+ Khi đủ 37 tuần nếu TSG không có dấu hiệu nặng (như không có nhức đầu, chóng mặt, đau thượng vị, không có bất thường về xét nghiệm máu, huyết áp kiểm soát tốt...).
+ Hoặc bất cứ lúc nào nếu tình trạng đe dọa tính mạng mẹ và thai.
Tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp thai kỳ
- Tránh biến chứng nguy hiểm cho mẹ: Phù phổi, suy thận, nhau bong non, rối loạn đông máu, hội chứng HELLP, sản giật, xuất huyết não, tử vong
- Tránh biến chứng nguy hiểm cho con: thai chết trong tử cung, trong chuyển dạ, thai non tháng do phải chấm dứt thai kỳ sớm.
Trị số Tăng huyết áp (THA) như thế nào?
- Chẩn đoán THA khi Huyết áp (HA) tâm thu ≥ 140 và hoặc HA tâm trương ≥ 90 mm Hg trong 2 lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ.
- Hoặc khi HA tâm thu ≥ 160 và hoặc HA tâm trương ≥ 110 mmHg được xác định trong khoảng thời gian ngắn 15 phút tạo điều kiện điều trị hạ áp kịp thời ở thai phụ.
Phân loại: 4 dạng rối loạn THA trong thai kỳ
1. THA trước khi có thai : Preexisting (chronic) hypertension hay còn gọi cao huyết áp mạn tính
2. THA thai kỳ (Gestational hypertension)
3. Tiền sản giật-Sản giật (Preeclampsia-eclampsia)
4. Tiền sản giật trên nền THA mạn tính (Preeclampsia superimposed upon preexisting hypertension)
Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp thai kỳ
- Nếu bạn có huyết áp cao trước mang thai (mạn tính), bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để tìm nguyên nhân và đánh giá mức độ cao huyết áp ảnh hưởng đến các cơ quan: tim, mắt, não, thận để chuẩn bị có thai.
- Nếu bạn bị cao huyết áp khi mang thai và xảy ra sau 20 tuần (Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật) thì cho đến nay, vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân một cách rõ ràng. Thực tế, bất cứ thai phụ nào cũng có thể bị tiền sản giật trong thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ bị bệnh sẽ cao hơn ở một số đối tượng có nguy cơ cao.
Nguy cơ cao tiền sản giật bao gồm bất kỳ yếu tố sau:
- Tăng huyết áp trong lần mang thai trước đây
- Bệnh thận mạn
- Bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống hoặc hội chứng kháng phospholipid
- Đái tháo đường típ 1 hoặc típ 2
- Tăng huyết áp mạn tính
Nguy cơ trung bình tiền sản giật gồm nhiều hơn một trong các yếu tố sau
- Mang thai lần đầu
- Tuổi ≥ 40
- Khoảng cách giữa hai lần mang thai hơn 10 năm
- BMI ≥ 35 kg/m2 tại lần khám đầu tiên
- Tiền sử gia đình tiền sản giật
- Đa thai
Làm sao phát hiện tăng huyết áp
- Khi đi khám sức khỏe trước mang thai, khi đi khám thai: Bác sĩ/ Điều dưỡng sẽ đo huyết áp cho bạn.
- Sử dụng máy đo huyết áp tại nhà. Các máy đo Huyết áp huyết áp điện tử được khuyên dùng:
Việt Nam: Omron HEM-711-; Omron HEX -712-; Omron HEM-713-,
Nước ngoài: Omron HEM-705CP, Omron HEM-735C, Omron HEM -737 Intellisense.
Nguyên tắc kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ
- Phát hiện sớm
- Dự phòng: Tính nguy cơ xảy ra tiền sản giật, sử dụng Aspirin 81mg, 1-2 viên/ngày từ tuần 12-36. Bổ sung canxi (1,5-2 g/ngày đường uống) được khuyến cáo phòng ngừa tiền sản giật ở phụ nữ với chế độ ăn ít canxi (< 600 mg/ngày) tại lần khám tiền sản đầu tiên.
- Điều trị theo chuyên khoa Tim mạch và Sản khoa.
Dinh dưỡng trong phòng ngừa cao huyết áp thai kỳ
Các yếu tố dinh dưỡng làm tăng nguy cơ xuất hiện cao huyết áp thai kỳ bao gồm:
- Mẹ bị thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai
- Mẹ tăng cân quá mức trong thời gian mang thai
- Mẹ tiêu thụ ít thực phẩm giàu Canxi và Magie trong thời gian mang thai
- Mẹ tiêu thụ ít rau và trái cây trong thời gian mang thai
- Mẹ ít vận động
Dựa theo khuyến nghị của WHO, để phòng ngừa cao huyết áp thai kỳ, các mẹ cần lưu ý:
- Cần giảm cân và đạt đến cân nặng bình thường trước khi mang thai.
- Việc tăng cân là vô cùng cần thiết trong thời gian mang thai, tuy nhiên các mẹ không nên ăn gấp đôi cho “hai người” mà nên kiểm soát định lượng thực phẩm và duy trì chế độ ăn lành mạnh để tránh tăng cân quá mức cho phép.
- Năng lượng từ thực phẩm có thể đến từ nhiều nguồn, có thể trong bánh kẹo ngọt (năng lượng rỗng, nghèo dinh dưỡng) hoặc trong các thực phẩm thô như rau quả (vừa cung cấp năng lượng vừa giàu dưỡng chất). Vì vậy để đạt được hiểu quả phòng ngừa bệnh tốt nhất, các mẹ cần đảm bảo một chế độ ăn lành mạnh bằng việc ăn đủ 5 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn (nhóm tinh bột – rau – trái cây – thực phẩm giàu đạm – sản phẩm sữa), cân bằng (định lượng mỗi nhóm thực phẩm tương đương nhau), đa dạng (nhiều loại thực phẩm có màu sắc khác nhau).
- Các mẹ cần đảm bảo tiêu thụ đủ lượng Canxi theo nhu cầu, tức là 1200 mg Canxi/ngày. Để đủ lượng Canxi này, mẹ cần tiêu thụ ít nhất 3 cử sản phẩm từ sữa (VD: 200 ml sữa tươi ít béo không đường hoặc 100 g sữa chua không đường) mỗi ngày, cùng với chế độ ăn đầy đủ rau và trái cây trong 3 bữa chính. Nếu mẹ tiêu thụ ít hơn lượng này, việc bổ sung thêm chế phẩm Canxi là cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ bị cao huyết áp thai kỳ. Lượng bổ sung theo đổi tùy theo chế độ ăn hiện tại của các mẹ.
- Ngoài việc bổ sung thêm chế phẩm Canxi, WHO hoàn toàn không khuyến nghị bổ sung thêm các chế phẩm nào khác như Vitamin D, vitamin C, vitamin E, và các chất chống oxy hóa để giúp ngăn ngừa nguy cơ bị cao huyết áp thai kỳ.
- Việc hạn chế muối là không khuyến nghị để phòng ngừa cao huyết áp thai kỳ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các mẹ được phép ăn mặn thoái mái mà WHO khuyến nghị rằng, cần duy trì lượng muối trong giới hạn cho phép, tương đương 2000 mg Natri/ngày.
- Vận động thể chất: WHO hoàn toàn không khuyến nghị việc hạn chế vận động hoặc nằm nghỉ dưỡng thai trong suốt thai kỳ (trừ một số trường hợp đặc biệt), vì việc này không giúp cho bạn hạn chế được nguy cơ mắc bệnh và cũng không giúp cải thiện tình trạng bệnh. Các nghiên cứu khoa học cho thấy việc vận động khoảng 30 – 60 phút từ 2 – 7 lần/tuần trong thời gian mang thai giúp bạn ngăn ngừa được nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp thai kỳ.
Dinh dưỡng trong điều trị cao huyết áp thai kỳ
Việc điều trị bệnh cao huyết áp thai kỳ chủ yếu sử dụng các thuốc hạ áp và các loại thuốc khác. Bên cạnh đó, bạn vẫn cần duy trì chế độ ăn như trên để không làm cho bệnh diễn biến xấu hơn. Tùy theo diễn biến phức tạp của bệnh, mà chế độ ăn sẽ điều chỉnh cụ thể theo từng cá nhân để bảo tồn được chức năng hệ cơ quan và giúp cho việc điều trị đạt hiểu quả cao.