Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính nguy hiểm và phổ biến, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đôi khi có thể xảy ra ở trẻ lớn và người lớn. Phụ nữ mang thai cũng có thể mắc bệnh tay chân miệng và thường không ảnh hưởng đến thai nhi. Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, riêng mùa cao điểm hàng năm thường rơi vào các tháng 8, 9, 10 và dễ hình thành các trận dịch lớn.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột gây ra, thường gặp nhất là coxsackie virus và entero virus 71 (EV71). Đặc biệt, EV71 thường gây ra những biến chứng nguy hiểm, có thể tử vong. Trong năm 2018, chủng virus EV71 có xu hướng bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng
- Sốt: có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao
- Ngủ hay giật mình, quấy khóc
- Biếng ăn do đau miệng
- Loét miệng, loét họng
- Phát ban đỏ, mụn nước tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khuỷu, mông hoặc bộ phận sinh dục
Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng đôi khi không rõ ràng, có thể lầm với dị ứng da, viêm nướu miệng do Herpes hoặc thủy đậu…
Bệnh tay chân miệng lây lan như thế nào?
- Tiếp xúc gần gũi, như hôn, ôm, hoặc dùng chung ly và dụng cụ ăn uống
- Ho và hắt xì
- Tiếp xúc với mông khi thay tã
- Tiếp xúc với dịch tiết bóng nước
- Sờ những vật dụng hoặc bề mặt có virus
Tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), khu khám Nhi được phân chia thành 2 khu vực riêng biệt: khu dành cho trẻ khỏe và khu dành cho trẻ có bệnh, với mục đích phân luồng bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo. Khi trẻ đến bệnh viện có những triệu chứng nghi mắc bệnh, trẻ sẽ được đưa vào khu khám riêng, nhờ đó có thể chọn lọc và cách ly bệnh ngay từ đầu.
Diễn biến của bệnh tay chân miệng
Hầu hết bệnh nhân tay chân miệng hồi phục sau giai đoạn cấp của bệnh, hầu hết hồi phục sau 7-10 ngày mà không cần điều trị và không biến chứng.
Những dấu hiệu diễn tiến nặng của bệnh tay chân miệng
- Sốt cao liên tục, khó hạ
- Quấy khóc hoặc lừ đừ, li bì
- Ngủ giật mình liên tục, chới với
- Run chi, yếu chi, đi đứng loạng choạng
- Thở nhanh, thở mệt
- Nôn ói nhiều
- Co giật, hôn mê, tím tái
Bệnh tay chân miệng có diễn biến rất nhanh, nhiều trường hợp chỉ trong vòng vài giờ đã xuất hiện các biến chứng về tim mạch, hô hấp, thần kinh, nguy cơ tử vong rất cao. Tỷ lệ biến chứng của bệnh tùy theo cơ địa và loại virus gây bệnh nhưng đa số dưới 5% trường hợp mắc phải.
Điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà
90% các trẻ bị tay chân miệng có thể điều trị tại nhà hay tái khám tại các cơ sở y tế gần nhà vì đa số các trường hợp chỉ mắc độ 1 và độ 2A (độ nhẹ). Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng.
Để chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ nên cho trẻ ăn bình thường, không kiêng ăn (để trẻ có đủ chất dinh dưỡng). Cho trẻ ăn thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu, uống nhiều nước. Tránh các thức uống chứa axti như nước trái cây, và các thức ăn cay, nóng. Nếu trẻ nổi mụn nước, không kiêng cữ tắm rửa, phải giữ vệ sinh cho trẻ, không bôi bất kỳ loại thuốc gì lên mụn nước. Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt khi sốt hoặc đau họng, miệng.
Khi nào cần cho trẻ nhập viện?
Khi có bất kỳ dấu hiệu diễn tiến nặng nào của bệnh tay chân miệng, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và nhập viện hoặc chuyển viện nếu cần. Chỉ khi trẻ có biến chứng từ độ 2B trở lên mới cần điều trị ở tuyến trên, tỷ lệ này khoảng 5%.
Phòng ngừa bệnh tay chân miệng bằng cách nào?
Trước khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần rửa tay thật sạch. Đặc biệt đồ chơi của trẻ phải được vệ sinh thường xuyên, vì trẻ hay ngậm đồ chơi nên dễ nhiễm virus gây bệnh.
Trẻ trước khi vào lớp học và sau khi tan trường nên rửa tay với xà bông. Nếu nhà có trẻ bị bệnh tay chân miệng, tuyệt đối không cho trẻ đến trường để tránh lây lan cho các trẻ khác.
Khi phát hiện trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ nên thông báo với nhà trường (nếu trẻ đang đi học). Trường hợp lớp học hoặc nơi ở có nhiều trẻ bị bệnh này cùng thời điểm, nhà trường và địa phương phải báo ngay với trung tâm y tế dự phòng để nhân viên y tế xử lý, phòng chống bệnh lây lan trên diện rộng.
ThS. BS. Phạm Công Luận
Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)