Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

VIÊM TUYẾN TIỀN LIỆT - CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Viêm tuyến tiền liệt là gì? 
 
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị sưng hoặc viêm. Chứng bệnh này không phải là ung thư.
 
Tuyến tiền liệt là bộ phận chỉ có ở nam giới, tuyến này nằm ngay dưới bàng quang, bao quanh niệu đạo (ống thoát tiểu) và phía trước trực tràng. Chức năng của tuyến tiền liệt là tạo ra một số chất chứa trong tinh dịch.

Các dạng viêm tuyến tiền liệt

- Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn (hoặc Hội chứng đau vùng chậu mãn tính): 
 
Đây là loại viêm tuyến tiền liệt phổ biến nhất. Các triệu chứng có thể cải thiện và tự quay lại không báo trước. Nguyên nhân vẫn chưa được xác định cụ thể. Dù chưa có cách điều trị nhưng bệnh nhân có thể kiểm soát được các triệu chứng bệnh.
 
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
 
Đây là dạng viêm tuyến tiền liệt ít gặp nhất, xảy ra ở nam giới ở mọi lứa tuổi. Loại viêm tuyến tiền liệt này thường xuất hiện đột ngột kèm theo các triệu chứng có thể đe dọa đến tính mạng, do đó cần phải điều trị ngay. Bệnh thường có các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm sốt, lạnh run; đau vùng dưới thắt lưng; đau xung quanh “cậu nhỏ”; đi tiểu thường xuyên, có cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc tiểu gấp vào ban đêm; có thể kèm tiểu khó và rất đau; đau nhức mỏi khắp cơ thể.
 
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn
 
Loại bệnh này là một dạng khá hiếm và có thể dẫn tới nhiễm trùng hay tái phát và rất khó điều trị. Về cơ bản, biểu hiện của viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn tương đối giống với các trường hợp cấp tính nhưng kéo dài hơn và không bị sốt.
 
- Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng
 
Thường được phát hiện thông qua các buổi kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chẩn đoán bệnh viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng nếu họ có các tế bào chống nhiễm trùng trong tinh dịch hoặc dịch của tiền liệt tuyến.
 
Nguyên nhân gây nên viêm tuyến tiền liệt
 
Viêm tuyến tiền liệt thường gây ra bởi vi khuẩn, chúng lây lan từ trực tràng hoặc từ nước tiểu bị nhiễm bệnh.
 
Bệnh nhân không thể bị viêm tuyến tiền liệt từ người khác. Ngoài ra, tình trạng bệnh này cũng không phải là một STD (bệnh lây truyền qua đường tình dục). Tuy vậy, nó vẫn có thể là kết quả của một số bệnh STD.
 
Đối tượng thường có nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt? 
 
Viêm tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
 
- Nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu, hoặc nhiễm trùng từ vùng khác của cơ thể.
- Bị tổn thương ở khu vực giữa bìu và hậu môn.
- Các giải phẫu bất thường ở đường tiết niệu.
- Đã từng mắc phải phì đại tiền liệt tuyến.
- Các xét nghiệm gần đây do đặt ống thông hoặc nội soi vào niệu đạo.

Những dấu hiệu của bệnh viêm tuyến tiền liệt?
 
Một số triệu chứng phổ biến nhất khi bị viêm tuyến tiền liệt có thể bao gồm:
 
- Xuất tinh ra máu
- Đi tiểu thường xuyên
- Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Tiểu buốt
- Ít nước tiểu khi đi tiểu
- Đau ở vùng lưng thấp hoặc vùng chậu
- Sốt và lạnh run (thường chỉ với nhiễm trùng cấp tính)
- Rối loạn cương dương hoặc mất ham muốn tình dục
- Cảm giác nhói ở vùng trực tràng hoặc bộ phận sinh dục
- Chảy dịch niệu đạo trong lúc đại tiện
 
Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt có thể tương tự như một số bệnh lý khác. Hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ giàu kinh nghiệm để được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.

Làm thế nào để chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt?
 
Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh và tình trạng quan hệ tình dục của bệnh nhân và khám thực tế. Các xét nghiệm khác có thể bao gồm: 
 
- Cấy nước tiểu: Xét nghiệm này thu thập dịch tuyến tiền liệt và nước tiểu để kiểm tra các tế bào bạch cầu và vi khuẩn.
 
- Thăm khám trực tràng (DRE): Trong khám nghiệm này, bác sĩ thăm khám bằng ngón tay có đeo găng để kiểm tra tình trạng của tuyến tiền liệt cạnh trực tràng và đánh giá xem có hiện tượng phù nề hoặc mật độ căng của tiền liệt tuyến.
 
- Xoa nắm tuyến tiền liệt: Bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ xoa nắm tuyến tiền liệt để dẫn lưu chất dịch vào niệu đạo. Chất dịch này sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi để dò tìm nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm. Khám nghiệm này thường được thực hiện trong lúc thăm khám trực tràng (DRE).
 
- Cấy tinh dịch: Một mẫu tinh dịch được gửi tới phòng xét nghiệm để tìm kiếm vi khuẩn và bạch cầu.
 
- Nội soi bàng quang: Một thủ thuật cho phép bác sĩ nhìn vào bên trong bàng quang và niệu đạo bằng cách sử dụng ống nội soi bàng quang mỏng, mềm được đặt qua niệu đạo để kiểm tra xem có bất kỳ thay đổi về cấu trúc hoặc tắc nghẽn nào không.
 
- Siêu âm qua trực tràng: Một đầu dò mỏng, mềm được đưa vào trực tràng bên cạnh tuyến tiền liệt để hiển thị hình ảnh của tuyến tiền liệt.
 
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Đây là kỹ thuật sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh cắt ngang của cơ thể. Chụp CT để cung cấp thông tin chi tiết hơn về xương, cơ, mô mềm, mạch máu và nội tạng.
 
Điều trị viêm tuyến tiền liệt như thế nào?
 
Bác sĩ sẽ tìm ra biện pháp điều trị tốt nhất dựa trên các yếu tố và câu hỏi cụ thể như sau:
 
- Độ tuổi
- Tiền sử bệnh + bệnh sử 
- Bệnh nhân bị bệnh như thế nào?
- Mức độ đáp ứng tốt với các loại thuốc, phương pháp hay liệu pháp điều trị.
- Tình trạng bệnh dự kiến sẽ kéo dài trong bao lâu?
- Dạng viêm tiền liệt tuyến bệnh nhân đang mắc phải.
 
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm tuyến tiền liệt mà bệnh này sẽ có những cách điều trị khác nhau.
 
Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn
 
Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh cho đến khi nhiễm trùng có thể bị loại trừ. Tùy vào các biểu hiện, các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm:
 
- Thuốc giãn các cơ xung quanh tuyến tiền liệt và bàng quang, giảm viêm và giảm đau.
- Massage tuyến tiền liệt để giải phóng dịch gây ra áp lực trên tuyến tiền liệt.
- Nhiệt từ tắm nóng hoặc đai quấn nóng để giúp giảm bớt sự khó chịu. 

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn
 
Phương pháp điều trị thường dùng kháng sinh trong 4 đến 12 tuần. Đây là dạng viêm tuyến tiền liệt khó điều trị và tình trạng nhiễm trùng có thể quay trở lại. Nếu kháng sinh không có tác dụng từ 4 đến 12 tuần, bệnh nhân có thể sử dụng thêm một liều kháng sinh thấp hơn trong một khoảng thời gian. Hiếm khi cần đến phẫu thuật để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tiền liệt. Phương pháp điều trị này sẽ được thực hiện nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc làm trống bàng quang.
 
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn
 
Đối với loại viêm tuyến tiền liệt này, bệnh nhân thường dùng kháng sinh trong 2 đến 4 tuần. Điều quan trọng là phải uống đủ kháng sinh, ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng. Phương pháp này nhằm để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc. Bệnh nhân có thể cần thuốc giảm đau, đồng thời được yêu cầu uống nhiều nước hơn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải lưu lại bệnh viện để theo dõi. 
 
Hãy thăm khám bác sĩ định kỳ để được cung cấp thêm thông tin về điều trị viêm tuyến tiền liệt.
 
Những điểm quan trọng về viêm tuyến tiền liệt mà bạn cần nhớ
 
- Viêm tuyến tiền liệt là bộ phận tuyến tiền liệt bị viêm do nhiễm trùng. 
- Viêm tuyến tiền liệt không phải là bệnh truyền nhiễm và cũng không phải là bệnh STD (bệnh lây truyền qua đường tình dục).
- Bất kỳ đàn ông ở mọi lứa tuổi nào cũng có thể bị viêm tuyến tiền liệt. Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt có thể bao gồm việc đi tiểu thường xuyên hơn, cảm giác nóng rát, đau hoặc buốt khi đi tiểu, sốt, lạnh run. Bác sĩ thường chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm kiểm tra nước tiểu, tinh dịch của bệnh nhân để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng.
- Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm tuyến tiền liệt. Trong những trường hợp hiếm, bệnh nhân cần phải được phẫu thuật.
 
Các bước kế tiếp
 
Một số mẹo để giúp chuyến thăm khám bác sĩ trở nên hữu dụng:
 
- Biết rõ lý do tại sao bạn cần được thăm khám và chuyện gì sẽ xảy ra.
- Trước khi đi thăm khám, viết ra các câu hỏi bạn thắc mắc.
- Đi cùng với người thân để họ giúp bạn đặt câu hỏi và nhớ những gì bác sĩ đã tư vấn cho bạn.
- Trong lúc thăm khám, hãy ghi ra các chẩn đoán mới, loại thuốc, phương pháp điều trị hoặc xét nghiệm mới. Ngoài ra, không quên viết ra bất kỳ hướng dẫn mới nào mà bác sĩ tư vấn cho bạn.
- Hiểu được lý do tại sao một loại thuốc hay liệu pháp điều trị mới được chỉ định, và chúng sẽ giúp ích như thế nào cho việc điều trị của bạn, đồng thời bạn cũng cần nên biết tác dụng phụ của chúng là gì. 
- Hỏi xem tình trạng của bạn có thể được điều trị bằng các phương pháp khác không.
- Biết được lý do tại sao bạn được đề nghị làm kiểm tra hoặc xét nghiệm và kết quả đó có ý nghĩa gì.
- Biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu không dùng thuốc hoặc không thực hiện xét nghiệm hay liệu pháp đã được chỉ định.
- Nếu bạn có một cuộc hẹn cho chuyến thăm khám tiếp theo, hãy ghi lại ngày, thời gian và mục đích của lần khám đó.
- Phải nắm được các thông tin liên hệ với bác sĩ nếu bạn có thắc mắc hay lo lắng.