Bệnh viêm ruột thừa là hiện tượng phần ruột thừa bị viêm dẫn đến tạo mủ, gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh.
Nguyên nhân chính gây bệnh viêm ruột thừa cấp là tình trạng tắc nghẽn lòng ruột thừa với yếu tố thường gặp nhất là phì đại hạch bạch huyết và sỏi phân. Ngoài ra do rau, hạt trái cây hay do giun cũng là nguyên nhân ít gặp hơn gây tắc nghẽn ruột thừa.
Những dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm ruột thừa:
- Đau bụng: đây là triệu chứng đầu tiên và phổ biến của viêm ruột thừa cấp làm cho bệnh nhân khó chịu phải đi đến bệnh viện. Điển hình của viêm ruột thừa cấp là đau bụng bắt đầu ở vùng trên và quanh rốn. Đau vừa phải, không thay đổi, đôi khi có những cơn co thắt trội lên. Sau thời gian từ 1 - 12 giờ (thường trong vòng 4 - 6 giờ), cơn đau sẽ chuyển xuống đau khu trú ở vùng bụng dưới bên phải. Ở một số bệnh nhân, đau của viêm ruột thừa bắt đầu ở vùng bụng dưới bên phải và duy trì ở đó.
- Chán ăn: thường là dấu hiệu hay đi kèm theo trong viêm ruột thừa.
- Nôn mửa: xảy ra trong khoảng 58% bệnh nhân, nhưng không nổi bật và kéo dài, hầu hết bệnh nhân chỉ nôn 1 - 2 lần.
- Sốt cũng có thể là dấu chứng của viêm ruột thừa, thường là sốt nhẹ dưới 39 độ C, nếu sốt cao hơn có thể là dấu chứng của viêm ruột thừa muộn.
Chuỗi xuất hiện triệu chứng có ý nghĩa rất lớn để chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa với các bệnh khác. Trên 95% bệnh nhân viêm ruột thừa cấp thì chán ăn là triệu chứng đầu tiên, sau đó là đau bụng, đến lượt nôn mửa (nếu có xảy ra).
Đây là những dấu hiệu gợi ý của bệnh lý viêm ruột thừa cấp, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán.
Cách chẩn đoán viêm ruột thừa:
Thăm khám là quan trọng cho việc chẩn đoán. Bệnh nhân có các dấu chứng trên khi đến khám sẽ được bác sĩ chuyên khoa trực tiếp thăm khám vùng bụng để đánh giá. Khi bác sĩ thăm khám ấn vào vùng bụng dưới bên phải bệnh nhân sẽ đau, mức độ đau có thể tùy thuộc vào giai đoạn của viêm ruột thừa.
Các xét nghiệm cận lâm sàng cần được làm thêm để chẩn đoán viêm ruột thừa cấp là xét nghiệm máu và siêu âm bụng, trong một số ít trường hợp khó khăn hay cần chẩn đoán phân biệt bác sĩ có thể cho chụp CT scan bụng để chẩn đoán.
Viêm ruột thừa nếu điều trị chậm trễ có thể dẫn tới viêm ruột thừa vỡ mủ trong ổ bụng làm cho tình trạng nhiễm trùng ổ bụng càng nặng nề hơn, có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Tình trạng viêm ruột thừa vỡ mủ trong ổ bụng có thể diễn tiến tới viêm phúc mạc khu trú, toàn bộ ổ bụng hay áp xe ruột thừa, dẫn đến việc điều trị sẽ khó khăn hơn và tỷ lệ các biến chứng sẽ nhiều hơn cho bệnh nhân. Chính vì thế, ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm ruột thừa, bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện để khám và điều trị sớm.
Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm ruột thừa thường là cắt bỏ ruột thừa bị viêm và có thể phẫu thuật dưới 2 hình thức sau:
- Mổ mở: Hiện nay, các bệnh viện rất ít thực hiện mổ mở ruột thừa, trừ vài trường hợp rất khó khăn.
- Mổ nội soi: Hầu như tất cả các giai đoạn của viêm ruột thừa đều có thể mổ nội soi, chỉ một số ít các trường hợp rất khó khăn cần mổ mở.
Tiên lượng bệnh nhân sau mổ như thế nào?
Đối với các trường hợp viêm ruột thừa giai đoạn sớm được phẫu thuật nội soi thì thời gian hồi phục nhanh, bệnh nhân chỉ cần nằm viện từ 1 – 3 ngày, bệnh nhân có thể làm việc trở lại sau 01 tuần. Trong thời gian này, bệnh nhân có thể còn đau ít ở vùng phẫu thuật và cần uống thuốc theo toa chỉ định của bác sĩ.
Đối với các trường hợp viêm ruột thừa giai đoạn trễ như viêm phúc mạc hay áp xe ruột thừa thì cần nằm viện lâu hơn (khoảng 01 tuần), bệnh nhân có thể làm việc trở lại sau 10 – 14 ngày.
Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể ăn uống bình thường trở lại.
Bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động bình thường sau phẫu thuật. Đối với các hoạt động nặng hơn như chơi thể thao thì cần khoảng 04 tuần sau mổ.
Tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), các bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện các xét nghiệm theo từng trường hợp. Với hệ thống máy móc và trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên môn cao sẽ cho ra kết quả xét nghiệm chuẩn xác, hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng cũng như các giai đoạn bệnh đang diễn biến và phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.