Việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm tăng nguy cơ phát triển bệnh nướu răng, dẫn đến có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé đang phát triển trong bụng mẹ. Dưới đây là một số lời khuyên giúp mẹ duy trì sức khỏe răng miệng tốt nhất trước, trong và sau khi mang thai:
Trước khi mang thai:
Hãy kiểm tra sức khoẻ răng miệng khi mẹ có ý định mang thai. Điều này sẽ giúp răng được vệ sinh đúng cách, mô nướu được kiểm tra cẩn thận và bất kỳ vấn đề sức khỏe răng miệng nào cũng có thể được điều trị trước khi mang thai.
Trong khi mang thai:
- Nha sĩ cần được biết rằng mẹ đang mang thai. Việc kiểm tra răng định kỳ có thể được thực hiện bất cứ lúc nào trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, trước đó, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ Sản khoa.
- Liệt kê cho nha sĩ biết tên và liều lượng của tất cả các loại thuốc mẹ đang dùng, bao gồm cả thuốc và vitamin trước khi sinh do bác sĩ kê toa, cũng như bất kỳ lời khuyên cụ thể của bác sĩ. Nha sĩ sẽ thay đổi kế hoạch điều trị nha khoa của mẹ dựa trên các thông tin này.
- Chụp X-quang nha khoa có thể được thực hiện trong khi mang thai. Nha sĩ sẽ thận trọng để bảo vệ mẹ và em bé bằng cách che chắn bụng và tuyến giáp của mẹ.
- Trong suốt thai kỳ, việc kiểm tra nha chu (nướu) thường xuyên là rất quan trọng, bởi mang thai gây ra thay đổi nội tiết tố khiến mẹ có nguy cơ mắc bệnh nha chu và nướu răng dễ chảy máu - một tình trạng gọi là viêm nướu khi mang thai.
Đặc biệt, hãy chú ý đến những thay đổi về nướu của mẹ. Nếu đau, chảy máu hoặc sưng nướu xảy ra, mẹ cần trao đổi với bác sĩ hoặc nha sĩ càng sớm càng tốt.
- Thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách để ngăn ngừa và/ hoặc giảm các vấn đề sức khỏe răng miệng.
Đối phó với ốm nghén:
- Nếu ốm nghén khiến mẹ khó chịu khi đánh răng, hãy đổi sang kem đánh răng khác khi mang thai dưới sự tư vấn của nha sĩ.
- Súc miệng bằng nước hoặc nước súc miệng nếu mẹ bị ốm nghén và nôn mửa thường xuyên.
Chế độ ăn uống hợp lý giúp bảo vệ răng và em bé:
- Tránh thức ăn vặt có đường. Vấn đề thèm ngọt là khá phổ biến trong khi mang thai. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mẹ càng ăn vặt thường xuyên thì khả năng bị sâu răng càng cao.
- Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Chiếc răng đầu tiên của bé bắt đầu phát triển khoảng 3 tháng khi mang thai. Các sản phẩm từ sữa, phô mai và sữa chua là nguồn cung cấp khoáng chất cần thiết rất tốt cho việc phát triển răng, nướu và xương của bé.
Sau khi sinh:
Nếu mẹ gặp bất kỳ vấn đề về nướu trong khi mang thai, hãy gặp nha sĩ ngay sau khi sinh để kiểm tra răng miệng và sức khỏe nha chu.