Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

MẸ ĐÃ HIỂU ĐÚNG VÀ ĐẦY ĐỦ VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG THAI KỲ?

Đái tháo đường là trạng rối loạn chuyển hóa đường có thể được hình thành từ trước khi mang thai hoặc chỉ xuất hiện khi vào chuyển dạ. Đái tháo đường có thể gây nhiều ảnh hưởng đáng ngại thậm chí tử vong cho thai phụ cũng như thai nhi. Trong những năm gần đây tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ được ghi nhận ngày càng tăng. Có một số báo cáo ghi nhận tỷ lệ này tăng lên đến 16%. Vì vậy, việc trang bị thêm thông tin và chăm sóc tốt thai kỳ đái tháo đường sẽ góp phần hạn chế những kết cục không tốt cho mẹ và mang đến những đứa trẻ có cuộc sống thật sự khỏe mạnh.
 
Như thế nào là đái tháo đường thai kỳ? Đái tháo đường trong thai kỳ được phân loại ra sao?
Trước tiên, chúng ta cần có khái niệm rõ ràng về đái tháo đường trong thai kỳ và các dạng đái tháo đường trong thai kỳ.
Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường glucose trong cơ thể khiến cho lượng glucose trong máu nhiều hơn so với mức bình thuờng.
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng đái tháo đường được phát hiện khi đang có thai. Trong số những thai phụ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ có những phụ nữ đã bị đái tháo đường sẵn từ trước khi mang thai nhưng chưa được phát hiện và những phụ nữ mới xuất hiện đái tháo đường từ lúc mang thai.
 
Những thai phụ bị thái tháo đường thai kỳ có gặp phải những những vấn đề sức khỏe gì khác hơn so với một thai phụ bình thường?
Những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ phải đối diện với nhiều nguy cơ sức khỏe hơn so với những phụ nữ không bị tình trạng trên. 
Những phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ dễ gặp phải các vấn đề sau đây:
  • Tiền sản giật: đái tháo đường thai kỳ dễ dẫn đến tăng huyết áp mãn tính, tăng huyết áp thai kỳ và đặc biệt nhất là tiền sản giật. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng sanh non ở thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ.
  • Bệnh lý cầu thận: tiến triển từ tiểu đạm vi thể đến tiểu đạm đại thể dẫn đến tăng huyết áp trong giai đoạn này và suy thận sau 5 – 10 năm.
  • Bệnh lý võng mạc.
  • Bệnh lý thần kinh: rối loạn cảm giác vận động ngoại biên (tình trạng phổ biến trong bệnh lỳ đái tháo đường) ít gặp trên thai phụ. Tuy nhiên, bệnh lý dạ dày do đái tháo đường có thể kéo dài suốt thai kỳ với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, các vấn đề về dinh dưỡng và khó kiểm soát đường huyết.
  • Nhiễm cetoacid.
  • Nhiễm trùng: thường gặp các tình trạng viêm âm hộ - âm đạo, nhiễm trùng tiểu, viêm hô hấp và viêm vùng chậu sau sanh.
  • Trầm cảm.
Ngoài những biến chứng do đái tháo đường thai kỳ như trên, thai phụ đái tháo đường còn có thể tử vong. Tử vong do đái tháo đường thai kỳ khá ít gặp, tuy nhiên nguy cơ tử vong mẹ trên những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ được ghi nhận cao hơn những thai phụ bình thường. Nguyên nhân tử vong thường do nhiễm cetoacid, hạ đường huyết, tăng huyết áp và nhiễm trùng.
 
Ngoài những vấn đề sức khỏe mà mẹ có thể gặp, thì thai nhi có thể gặp phải những vấn đề nào?
  • Thai kỳ của những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ có thể có một số các nguy cơ sau:
- Sẩy thai, đặc biệt khi kiểm soát đường huyết không tốt
- Hơn 26% các trường hợp đái tháo đường thai kỳ phải sanh non, khoảng 60% trong số đó phải chấm dứt thai kỳ sớm vì những biến chứng nội khoa và sản khoa. 
- Dị tật: thường gặp nhất là dị tật tim, tiết niệu và hệ cơ xương khớp.
- Thai to, thường gặp nhiều ở những trường hợp đái tháo đường trước khi mang thai.
- Thai chết lưu
- Đa ối
  • Ngoài ra, trẻ sơ sinh có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có thể gặp phải những vấn đề sau:
- Suy hô hấp
- Hạ đường huyết
- Hạ calci huyết
- Tăng bilirubin máu
- Đa hồng cầu
- Bệnh cơ tim
- Chậm phát triển tâm thần
- Đái tháo đường di truyền

Việc tầm soát đái tháo đường thai kỳ được thực hiện như thế nào?
Việc tầm soát đái tháo đường thai kỳ giúp phát hiện sớm những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ, từ đó có kế hoạch điều trị hợp lý để giảm biến chứng cho cả mẹ và bé.
Những thai phụ không có nguy cơ mắc đái tháo đường cao sẽ được thực hiện tầm soát đái tháo đường thai kỳ bằng test dung nạp glucose trong khoảng thời gian 24 – 28 tuần. Chỉ cần một trong ba chỉ số đường huyết bất thường thai phụ sẽ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
Trái lại, những thai phụ có nguy cơ mắc đái tháo đường cao sẽ được các bác sĩ đề nghị thực hiện xét nghiệm này càng sớm càng tốt khi đi khám thai.
 
Những thai phụ bị đái tháo đường thai sẽ được theo dõi như thế nào?
Thai phụ sau khi được bác sĩ chẩn đoán có đái tháo đường thai kỳ sẽ có chế độ điều trị phù hợp nhằm kiểm soát tốt đường huyết để hạn chế những biến chứng cho mẹ và thai nhi.
  • Chế độ ăn của những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ được khuyến cáo một số điểm chính như sau:
- Bữa ăn cần bao gồm đầy đủ các chất: carbohydrate, protein và chất béo theo tỷ lệ 55% - 20% - 25% trong đó lượng chất béo bão hòa phải ít hơn 10%. 
- Tổng lượng carbohydrate trong ngày khoảng 175g.
- Lượng thức ăn trong ngày sẽ được chia ra thành 3 bữa chính với lượng thức ăn từ ít đến trung bình và xen kẽ vào đó là từ 2 đến 4 bữa xế.
  • Các thai phụ đái tháo đường thai kỳ được khuyến cáo nên tự theo dõi đường huyết tại nhà.
  • Nếu chế độ ăn tiết chế không đạt được đường huyết mục tiêu thai phụ sẽ được chuyển sau tiêm insulin.
  • Chế độ điều trị nhằm kiểm soát đường huyết thai phụ đạt được giá trị đường huyết mục tiêu cụ thể như sau:
- Đường huyết đói ≤ 95 mg/dL
- Đường huyết trước bữa ăn ≤ 100 mg/dL
- Đường huyết sau ăn 1 giờ ≤ 140 mg/dL
- Đường huyết sau ăn 2 giờ ≤ 120 mg/dL
- Đường huyết trung bình ≤ 100 mg/dL
- HbA1c ≤ 6%
Tuy nhiên, đường huyết đói không được thấp hơn 90 mg/dL để tránh tình trạng hạ đường huyết gây nguy hiểm cho thai phụ và bảo đảm đủ năng lượng cho thai phát triển.
Những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ nên chấm dứt thai kỳ ở thời điểm nào là phù hợp là một vấn đề rất được quan tâm. Những thai phụ phải điều trị với insulin nên chấm dứt thai kỳ khi đủ 38 tuần. Tuy nhiên, những thai phụ kiểm soát tốt với chế độ ăn tiết chế thì không nên chấm dứt thai kỳ trước 39 tuần tuổi thai. Việc sanh thường hay sanh mổ sẽ tùy thuộc vào sự đánh giá từ bác sĩ sản khoa giữa các yếu tố: sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi với khung chậu của người mẹ, sức khỏe của mẹ, sức khỏe thai nhi và tiên lượng tình trạng chuyển dạ của thai phụ.
 
Sau khi sanh xong một trường hợp đái tháo đường thai kỳ có còn cần theo dõi đặc biệt gì không?
Thai phụ đái tháo đường thai kỳ sau khi sanh xong 4 – 12 tuần cần được kiểm tra đường huyết bằng đường huyết đói và đường huyết 2 giờ sau uống 75g glucose để tầm soát đái tháo đường ngoài thai kỳ. Sau đó nên được theo dõi ít nhất mỗi 3 năm.
Trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ sau khi ra đời cần được các bác sĩ nhi khoa đánh giá và theo dõi để tránh tình trạng hạ đường huyết.
 
Một phụ nữ từng bị đái tháo đường thai kỳ có cần lưu ý gì khi chuẩn bị có thai không?
Những thai phụ có BMI cao, từng phải sử dụng insulin trong thai kỳ đái tháo đường, con to và tăng cân giữa 2 lần mang thai là các yếu tố tiên lượng sẽ bị đái tháo đường thai kỳ lặp lại. Do đó, sau sanh người phụ nữ cần được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục phù hợp kiểm soát cân nặng trước khi chuẩn bị có thai lại.
 
Các yếu tố nguy cơ gây tiểu đường thai kỳ có liên quan tới dinh dưỡng
  • Mẹ bị thừa cân/ béo phì trước khi mang thai.
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh trong thời gian mang thai, ví dụ như:
- Mẹ ăn vặt với các món ngọt nhiều lần trong ngày làm cho đường huyết luôn ở mức cao.
- Mẹ không thích ăn rau và trái cây nên chỉ số đường huyết của bữa ăn (khả năng làm tăng đường huyết sau ăn) luôn cao.
 
Dinh dưỡng trong hỗ trợ phòng ngừa và điều trị tiểu đường thai kỳ
  • Thay đổi thói quen:
- Luôn luôn có rau và trái cây trong mỗi bữa ăn để ổn định mức đường huyết sau ăn. Lượng rau và trái cây phải tương đương lượng tinh bột.
- Hạn chế tối đa bánh kẹo ngọt trong các bữa ăn nhẹ.
  • Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp:
Chỉ số đường huyết của mỗi loại thực phẩm cho biết khả năng làm tăng đường huyết của thực phẩm đó sau khi ăn xong.
- Nhóm tinh bột: thay vì ăn cơm trắng, bánh mì trắng (có chỉ số đường huyết cao), các mẹ nên thay đổi bằng gạo lức, gạo nếp than, bánh mì nâu, bún, miến, phở.
- Nhóm trái cây: 
+ Hạn chế nhóm có chỉ đường huyết cao: dưa hấu .
+ Tiêu thụ vừa phải nhóm có chỉ số đường huyết trung bình (2-3 lần/tuần, chỉ dùng sau bữa ăn chính như một món tráng miệng, và không nên dùng trong bữa ăn nhẹ): dứa, đu đủ, nho, vải, cherry, dưa lưới, nho khô, chà là khô, việt quất.
+ Các trái cây có chỉ số đường huyết thấp có thể tiêu thụ mỗi bữa: táo, cam, quýt, đào, kiwi, chuối, xoài, lê Nam Phi, chanh dây.
- Nhóm rau củ: hầu hết rau củ đều có chỉ số đường huyết thấp và có thể tiêu thụ mỗi bữa ăn, riêng củ dền và bí đỏ có chỉ số đường huyết trung bình nên cần tiêu thụ ở mức vừa phải (đối đa 2-3 lần/tuần).
- Nhóm sản phẩm sữa: nên chọn sữa tươi hoặc sữa chua ít béo không đường thay vì loại bổ sung thêm đường.
- Nhóm sản phẩm giàu đạm: hầu hết đều có chỉ số đường huyết thấp.
  • Duy trì bữa ăn lành mạnh: đầy đủ các nhóm thực phẩm, cân bằng định lượng, đa dạng.
  • Kiểm soát tốc độ tăng cân trong suốt thai kỳ: đối với các mẹ có cân nặng trong mức bình thường trước khi mang thai thì cần tăng 0.4 – 0.5 kg/tuần trong 6 tháng cuối thai kỳ.
  • Vận động thể chất: giúp kích thích cơ bắp sử dụng đường glucose một cách hiệu quả, nhờ đó giúp ổn định đường huyết. Vận động 30 – 45 phút/ngày với các hình thức vận động phù hợp với phụ nữ mang thai (VD: yoga bầu, bơi lội, đi bộ, …).