Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

ĐỪNG CHỦ QUAN KHI BỊ ĐAU THẦN KINH TỌA

Đau thần kinh tọa là cơn đau do chấn thương hoặc kích thích dây thần kinh tọa gây ra. Ngoài cơn đau, người bệnh có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở lưng hoặc mông và có thể lan xuống chân. Các triệu chứng đau thường xuất hiện ở vùng lưng dưới, hông, mông hoặc chân, thậm chí lan xuống bàn chân và ngón chân, gây đau đớn và cản trở vận động, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.


► Đau thần kinh tọa xảy ra khi nào?

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất và dày nhất trong cơ thể với chiều rộng lên tới 2 cm. Mặc dù tên gọi như vậy, đây không chỉ là một dây thần kinh đơn lẻ mà là một bó dây thần kinh xuất phát từ năm rễ thần kinh tách ra từ tủy sống.
 
Cơ thể người có hai dây thần kinh tọa chạy dọc hông, mông, đi xuống chân và đầu gối ở mỗi bên. Tại đây, chúng phân chia thành các dây thần kinh khác kết nối đến các phần xa hơn, bao gồm chân dưới, bàn chân và các ngón chân.

Đau thần kinh tọa là cơn đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Nguyên nhân chính gây đau thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm hoặc sự phát triển quá mức của xương gây áp lực lên các rễ thần kinh cột sống thắt lưng.



► Những đối tượng dễ bị đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là một bệnh tương đối phổ biến, đặc biệt ở những nhóm đối tượng sau:
 
  • Người đã hoặc đang bị chấn thương cột sống hoặc lưng dưới có nguy cơ phát triển thành đau thần kinh tọa.
  • Người cao tuổi: Sự mài mòn tự nhiên của cột sống theo thời gian có thể dẫn đến chèn ép dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa khớp - những nguyên nhân chính gây ra đau thần kinh tọa.
  • Người tăng cân do thừa cân, béo phì hoặc phụ nữ mang thai: trọng lượng cơ thể tăng lên do tăng cân hoặc do mang thai khiến cơ lưng phải làm việc nhiều hơn và gây áp lực lên cột sống.
  • Một số công việc đặc thù: người làm các công việc đòi hỏi nâng nặng, cúi nhiều, hoặc làm việc trong các tư thế không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về lưng dưới. Mặt khác, các công việc ngồi nhiều trong thời gian dài, ít vận động như nhân viên văn phòng nếu không có hỗ trợ lưng đúng cách cũng có nguy cơ cao gặp các vấn đề về lưng dưới.
  • Người tập thể thao: người chơi thể thao, tập luyện thể hình nếu sai tư thế có thể dễ bị đau thần kinh tọa.
  • Người bị tiểu đường: bệnh tiểu đường loại 2 làm tăng nguy cơ bệnh thần kinh ngoại biên liên quan đến tiểu đường, gây tổn hại dây thần kinh.
  • Người sử dụng thuốc lá: việc sử dụng nicotine có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn và tăng nguy cơ đau mãn tính, bao gồm đau thần kinh tọa.



► Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có thể xảy ra do bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa bao gồm:
 
  • Thoát vị đĩa đệm.
  • Thoái hóa đĩa đệm.
  • Hẹp xương sống.
  • Hẹp lỗ liên hợp.
  • Trượt đốt sống.
  • Thoái hóa khớp.
  • Chấn thương.
  • Mang thai.
  • Khối u, nang hoặc các khối u phát triển khác.
  • Hội chứng chóp tủy sống.
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa.

► Triệu chứng đau thần kinh tọa

Các triệu chứng của đau thần kinh tọa có thể bao gồm:
 
  • Đau: Đau thần kinh tọa xảy ra do áp lực tác động lên dây thần kinh bị ảnh hưởng. Bệnh nhân thường mô tả cơn đau thần kinh tọa như cảm giác bỏng rát hoặc giống như cú sốc điện. Cơn đau này cũng thường lan xuống chân ở bên bị ảnh hưởng. Đau thường xảy ra khi ho, hắt hơi, cúi người hoặc nâng chân lên khi nằm ngửa.
  • Cảm giác ngứa ran hoặc châm chích: Cảm giác tương tự khi chân bị tê do ngồi bắt chéo chân quá lâu.
  • Mất cảm giác: Bệnh nhân mất cảm giác trên da ở các khu vực bị ảnh hưởng của lưng hoặc chân, xảy ra vì các tín hiệu từ lưng hoặc chân gặp khó khăn khi đến não.
  • Yếu cơ: Đây là triệu chứng nghiêm trọng hơn, cho thấy các tín hiệu điều khiển cơ gặp khó khăn khi truyền đến lưng hoặc chân.
  • Tiểu không tự chủ hoặc đại tiện không tự chủ: Đây là triệu chứng rất nghiêm trọng, khi đó các tín hiệu kiểm soát không thể truyền được đến bàng quang và ruột.



► Biến chứng của đau thần kinh tọa

Hầu hết những trường hợp đau thần kinh toạ do thoát vị đĩa đệm thường hồi phục hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng điều trị. Tuy nhiên, đau thần kinh tọa cũng có thể dẫn đến biến chứng đau mãn tính hoặc tệ hơn là gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn gây mất cảm giác ở chân bị ảnh hưởng nếu không được chữa trị kịp thời.

Nếu bệnh nhân bị đau nghiêm trọng và chân không thể đi được hoặc gây ra biến chứng về ruột hoặc bàng quang thì bệnh nhân cần phải được phẫu thuật để điều trị.


► Chẩn đoán bệnh đau thần kinh tọa

Khi chẩn đoán bệnh đau thần kinh tọa, bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp kết hợp kiểm tra thể chất như:
  • Đi bộ: Đau thần kinh tọa có thể ảnh hưởng đến dáng đi của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ quan sát những thay đổi đó như một phần của việc chẩn đoán đau thần kinh tọa. 
  • Kiểm tra nâng chân thẳng: Bệnh nhân nằm trên giường với hai chân duỗi thẳng, bác sĩ sẽ nâng từng chân lên và kiểm tra mức độ đau hoặc các triệu chứng khác nhằm xác định nguyên nhân gây đau thần kinh tọa.
  • Kiểm tra sức mạnh và sự linh hoạt: Một số bài kiểm về sức mạnh và sự linh hoạt có thể được thực hiện nhằm xác định xem có yếu tố nào khác gây ra hoặc góp phần vào đau thần kinh tọa hay không.

► Điều trị đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có nhiều mức độ khác nhau, tùy vào tình trạng, mức độ và nguyên nhân sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau:
 
1. Điều trị tại nhà

Tùy thuộc vào nguyên nhân, các trường hợp đau thần kinh tọa nhẹ thường cải thiện bằng cách tự điều trị. Các phương pháp tự điều trị có thể bao gồm:
  • Chườm lạnh: Sử dụng túi chườm lạnh hoặc khăn bọc nước đá chườm vào vùng đau trong 20 phút, lặp lại vài lần mỗi ngày có thể giúp giảm đau và sưng trong vài ngày đầu.
  • Chườm nóng: Sau vài ngày chườm lạnh, bệnh nhân có thể chuyển sang chườm ấm bằng túi chườm hoặc khăn ấm trong 20 phút mỗi lần. Có thể linh hoạt chọn phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh nếu thấy có hiệu quả hơn.
  • Thuốc không kê đơn: Các thuốc chống viêm không steroid (Thuốc giảm đau ngoại vi) có thể giúp giảm đau, sưng và viêm. Tuy nhiên, sử dụng không đúng liều lượng và kéo dài có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
  • Kéo giãn cơ và cử động: Tập các bài tập giãn cơ lưng, tăng cường sức mạnh cơ bắp hoặc tập các bài thể dục nhịp điệu cũng có thể hỗ trợ việc giảm đau thần kinh tọa.

Nếu các phương pháp trên không hiệu quả sau vài tuần, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Lưu ý rằng các phương pháp nói trên chỉ áp dụng cho cơn đau nhẹ, nếu bệnh nhân bị đau từ vừa đến nặng, kèm theo tê hoặc ngứa râm ran, hoặc yếu cơ thì không nên tự điều trị mà cần đi khám ngay.

 
2. Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn có thể bao gồm:
  • Thuốc kê đơn: Thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ và các loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống co giật có thể giúp giảm triệu chứng đau thần kinh tọa, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị đau mãn tính hoặc đau liên quan đến dây thần kinh.
  • Vật lý trị liệu: Mục tiêu của vật lý trị liệu là giảm đau thần kinh tọa bằng cách giảm áp lực lên dây thần kinh. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn thực hiện các bài tập kéo giãn hoặc các hoạt động ít tác động như đi bộ, bơi lội hoặc thể dục dưới nước.
  • Tiêm cột sống: Thuốc tiêm Corticosteroids có thể giúp giảm đau tạm thời lên đến ba tháng. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho bệnh nhân về việc sử dụng thuốc tiêm.
  • Các liệu pháp thay thế: Bao gồm điều chỉnh cột sống, tập yoga, châm cứu, massage,…
 
3. Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi đau thần kinh tọa nghiêm trọng và các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả. Thông thường, bác sĩ sẽ không khuyến nghị phẫu thuật trừ khi bệnh nhân có các triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo tổn thương dây thần kinh hoặc trong trường hợp cơn đau cản trở nghiêm trọng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày và các triệu chứng không cải thiện sau 6 - 8 tuần điều trị bảo tồn.

Các phương pháp phẫu thuật để giảm đau thần kinh tọa bao gồm:
  • Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm: Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện loại bỏ các mảnh vụn hoặc phần nhỏ của đĩa bị thoát vị đang chèn ép lên dây thần kinh hoặc toàn bộ đĩa đệm.
  • Phẫu thuật cắt bỏ cung cột sống (Laminectomy): Mỗi đốt sống có một phần phía sau gọi là lamina (nằm ở mặt sau cột sống ngay phía dưới da lưng). Phẫu thuật laminectomy nhằm loại bỏ một phần của lamina đang chèn ép lên các dây thần kinh cột sống.



► Phòng ngừa đau thần kinh tọa

Các biện pháp sau có thể giúp phòng ngừa đau thần kinh tọa hoặc giảm nguy cơ xảy ra:
 
  • Điều chỉnh đúng tư thế: Áp dụng các kỹ thuật tư thế đúng khi ngồi, đứng, nâng vật và ngủ.
  • Ngừng sử dụng thuốc lá: Nicotine từ bất kỳ nguồn nào (bao gồm cả thuốc lá điện tử) có thể làm giảm lưu lượng máu đến xương, gây ra yếu cột sống và các thành phần cấu tạo cột sống.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Điều chỉnh chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo lượng canxi và vitamin D cơ thể cần để duy trì sức khỏe xương.
  • Tăng cường sức mạnh thể chất: Thường xuyên tập các bài tập tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bụng như giãn cơ, đi bộ, aerobic, yoga, bơi lội, có thể giúp cải thiện đau lưng.
  • Phòng tránh té ngã: Hạn chế mang giày cao gót khi không cần thiết, chọn những đôi giày có đế chống trượt, giữ cho không gian sống sáng sủa, thoáng tầm mắt, gọn gàng để giảm nguy cơ té ngã.
  • Dành thời gian để hồi phục: Đừng cố gắng làm việc nặng khi bị đau lưng. Điều này có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng hơn. Hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng, tập các bài tập phù hợp để cơ thể có thời gian phục hồi.

 --------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.