THÓI QUEN GIÚP TRẺ GIẢM NÔN TRỚ SAU ĂN
Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ rất hay gặp ở trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, dạ dày ở tư thế nằm ngang trong khi chế độ ăn chủ yếu là sữa ở dạng lỏng. Nôn trớ sẽ giảm dần khi trẻ lớn hơn và thường sẽ hết lúc trẻ được 12 tháng tuổi. Điều này lý giải vì sao trẻ dưới 1 tuổi hay bị nôn trớ hơn trẻ trên 1 tuổi. Một số trường hợp nặng hoặc do bệnh lý cần xử trí thích hợp để phòng tránh mất nước điện giải, biếng ăn, suy dinh dưỡng, khò khè,…
Có hai nguyên nhân khiến trẻ hay nôn trớ:
► Nôn trớ sinh lý:
Trẻ bị nôn trớ do dạ dày của trẻ nằm ngang, hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện, cơ thắt tâm vị yếu. Trẻ sẽ tự động hết nôn trớ sinh lý khi được 12-18 tháng tuổi. Trẻ cũng có thể bị nôn trớ do rối loạn tiêu hóa, ho, khóc quấy kéo dài. Thực tế, nguyên nhân lớn khiến trẻ nôn trớ là do chế độ chăm sóc chưa đúng cách như:
-
Cho trẻ ăn quá nhiều, bú quá no.
-
Cho trẻ bú Mẹ không đúng tư thế hoặc bú bình chưa đúng cách, làm trẻ nuốt phải nhiều khí vào dạ dày gây nôn trớ.
-
Trẻ vừa ăn no đã đặt trẻ nằm ngay, quấn tã hoặc băng rốn quá chặt.
-
Trẻ ăn phải những thức ăn gây đầy hơi, chướng bụng.
► Nôn trớ bệnh lý:
Một số nguyên nhân bệnh lý khiến trẻ bị nôn trớ:
-
Trẻ không dung nạp/ dị ứng đạm sữa bò (CMA).
-
Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD) có hoặc không kèm viêm thực quản.
-
Dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa.
️Bé bị nôn trớ phải làm sao?
-
Khi trẻ nôn trớ, Bố Mẹ phải lập tức nghiêng đầu trẻ sang một bên để trẻ không bị sặc, rồi nhanh chóng lau sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay sau đó thấm hết chất nôn trong miệng và họng trẻ ra ngoài. Tuyệt đối không được bế xốc trẻ lên khi trẻ đang nôn vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi, rất nguy hiểm cho trẻ.
-
Không quát mắng hay tỏ thái độ bực tức làm trẻ mất bình tĩnh, quấy khóc khiến trẻ bị nôn trớ nhiều hơn.
-
Hãy dỗ trẻ ngủ, vì dạ dày trống trong suốt thời gian này sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn. Bố Mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc chống nôn nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
Một số mẹo mà Bố Mẹ có thể áp dụng để giảm tình trạng nôn trớ cho trẻ như:
-
Giữ đầu của trẻ cao hơn chân trong khi cho bú và vỗ ợ hơi kỹ sau khi bú.
-
Chia nhỏ khẩu phần ăn và cho ăn nhiều lần sẽ tốt cho trẻ hơn.
-
Giữ trẻ thẳng đứng sau khi bú - tốt nhất là nên bế trẻ, vì tư thế trẻ ngồi trên ghế dành cho trẻ sơ sinh thực sự có thể làm cho việc nôn trớ xảy ra dễ dàng hơn.
-
Đừng lắc lư, đung đưa hoặc chủ động chơi đùa với trẻ ngay sau khi bú.
-
Nâng cao đầu cũi hoặc nôi của trẻ. Cuộn một vài chiếc khăn tay nhỏ hoặc chăn để đặt bên dưới (không phải trên đầu) nệm. Nhưng không sử dụng gối dưới đầu của trẻ. Đảm bảo rằng nệm không bị gấp ở giữa và độ nghiêng đủ nhẹ để trẻ không bị trượt xuống.
Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh Nhi khoa, bao gồm: Kiểm tra sức khỏe tổng quát; tiêm vaccine; theo dõi sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ; tư vấn về dinh dưỡng và các dịch vụ chẩn đoán, điều trị bệnh.
Khu khám Nhi tại AIH được phân chia thành 2 khu vực riêng biệt: khu dành cho trẻ khỏe và khu dành cho trẻ có bệnh, với mục đích phân luồng bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo. Khi trẻ đến bệnh viện có những triệu chứng nghi mắc bệnh, trẻ sẽ được đưa vào khu khám riêng, nhờ đó có thể chọn lọc và cách ly bệnh ngay từ đầu.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.