Bong mắt cá chân là tình trạng chấn thương phần mềm, cùng hiện tượng giãn hoặc rách dây chằng. Bong gân mắt cá chân là tình huống có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu không có sự cẩn trọng trong lúc vận động hoặc chơi thể thao do tần suất hoạt động cổ chân nhiều. Tình trạng này mặc dù không khó điều trị nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể gây ra tình trạng đau mãn tính, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, vận động và chất lượng cuộc sống.
Khớp mắt cá chân được hình thành bởi các xương của cẳng chân và khối xương cổ chân, được kết nối bởi hệ thống dây chằng phức tạp. Có 3 nhóm dây chằng chính để giữ cho xương mắt cá chân tránh trượt khỏi vị trí ban đầu, đó là:
• Các dây chằng nằm ở mắt cá ngoài (tương ứng ngón út), mắt cá trong (tương ứng ngón cái) và phía giữa 2 xương chày, mác.
• Bong gân mắt cá chân xảy ra khi một trong 3 dây chằng của khớp bị kéo giãn ra hoặc là bị rách. Tình trạng này xảy ra khi dây chằng hoặc các bộ phận quanh mắt cá chân bị rách hoặc căng giãn quá mức.
• Tình trạng thường diễn ra khi bàn chân bị xoay vào trong, ra ngoài hoặc là xoắn quá mức. Nếu như sau chấn thương, mắt cá chân bị sưng tấy, nóng và đau âm ỉ thì khả năng cao là bong gân mắt cá chân.
► Đối tượng nào dễ bị bong gân mắt cá chân
Một số đối tượng có nguy cơ bị bong gân mắt cá chân:
• Chơi thể thao, đặc biệt là những môn thể thao trong nhà, ví dụ như bóng rổ, đòi hỏi động tác nhảy và thay đổi hướng đột ngột, bất chợt khi chạy, đây là yếu tố dễ dẫn đến bong gân.
• Có vấn đề về cân bằng cơ thể, dễ té ngã.
• Mang giày cao gót hoặc giày không vừa chân, hoặc mang giày không chuyên dụng với bộ môn thể thao tham gia thì có nguy cơ khả năng sẽ bị chấn thương.
• Đã từng bị chấn thương trước đó, khớp mắt cá chân còn yếu và cứng.
► Nguyên nhân bong gân mắt cá chân
• Tiếp đất sai cách khi chạy bộ, bước lên xuống cầu thang, kể cả việc bước xuống giường ngủ sai cách.
• Bước lên một mặt phẳng không bằng phẳng, có thể là bước vào ổ gà.
• Chấn thương thể thao: ví dụ bước lên chân đối thủ khi chơi thể thao (bóng đá, bóng rổ) rất dễ bị trật cổ chân vì một cú đáp đất sau khi nhảy rất có khả năng bị mất thăng bằng.
• Bê vác vật nặng sai tư thế.
► Dấu hiệu bong gân mắt cá chân dễ nhận biết
• Cơn đau: tùy thuộc vào mức độ bong gân sẽ biểu hiện nhẹ hay nặng, cơn đau âm ỉ đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Cơn đau tăng lên khi người bệnh chạm vào vùng mắt cá chân, cố gắng cử động hoặc đi lại.
• Sưng đỏ và ấm: bong gân gây xung huyết, phù nề mô mềm xung quanh, vùng mắt cá chân sẽ sưng từ từ sau vài giờ bị bong gân.
• Vết bầm tím: triệu chứng này sẽ xuất hiện muộn hơn cảm giác đau và sưng tấy.
• Khó khăn trong di chuyển.
► Biến chứng của bong gân mắt cá chân
Những biến chứng có thể phát triển theo thời gian nếu không điều trị bong gân mắt cá chân kịp thời, bao gồm:
• Không ổn định khớp
• Đau dai dẳng
• Viêm khớp thoái hoá
► Chẩn đoán bong gân mắt cá chân
• Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng sưng nề vùng mắt cá chân, di chuyển bàn chân và mắt cá chân của bệnh nhân để xác định xem xương nào bị ảnh hưởng và đảm bảo rằng các dây thần kinh và động mạch không bị tổn thương, đồng thời sẽ kiểm tra gân gót (Achilles), nằm dọc theo phía sau mắt cá chân có bị rách hay không.
• Chụp X-quang: Cho thấy hình ảnh vị trí và tình trạng của các xương quanh vùng mắt cá chân, và loại trừ trường hợp gãy xương.
• Siêu âm: Đánh giá tình trạng tổn thương dây chằng tại mắt cá chân bong gân.
• Chụp CT: Hình ảnh thể hiện tình trạng chi tiết của xương và khớp tại vị trí bong gân.
• Chụp MRI (cộng hưởng từ): Cho thấy hình ảnh vị trí dây chằng bị rách, sụn bị hư hỏng, mảnh xương gãy, những thay đổi về cấu trúc phần mềm của vùng mắt cá chân.
► Điều trị bong gân mắt cá chân
Điều trị tại nhà
• Nghỉ ngơi sẽ giúp giảm cảm giác đau và giảm áp lực lên mô bị viêm.
• Chườm đá, giảm tình trạng sưng, bầm tím.
• Băng ép cố định có thể giúp người bị chấn thương giảm sưng, đau, phục hồi nhanh những tổn thương gân, dây chằng, thời gian cố định khoảng 2-3 tuần tùy mức độ chấn thương. Lưu ý không quấn quá chặt để tránh máu không được lưu thông.
• Nâng cao chân bị bong gân mắt cá chân, có thể gác chân lên ghế, tường để chân được dựng thẳng và cao lên, tránh việc máu bị dồn theo trọng lực về vị trí bong gân, giảm tình trạng bị sưng, phù nề.
Điều trị phẫu thuật
Các trường hợp bong gân mắt cá chân thường không phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu trường hợp bị bong gân nghiêm trọng mà không thể tự lành, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để sửa chữa các dây chằng. Bệnh nhân sẽ được điều trị phẫu thuật nếu có những dấu hiệu sau:
• Có cảm giác đau dai dẳng ở bàn chân và mắt cá chân
• Bị bong gân mắt cá chân thường xuyên.
• Đau mắt cá chân khi chạy bộ
► Có 2 loại phẫu thuật chính cho dây chằng mắt cá chân:
• Phẫu thuật nội soi: Thủ thuật này được sử dụng để sửa chữa dây chằng hoặc sụn chêm ở khớp gối.
•
Phẫu thuật tái tạo dây chằng: Bác sĩ sẽ phẫu thuật tái tạo lại dây chằng bị tổn thương bằng cách thay thế bằng một mảnh ghép mô lấy từ các dây chằng và/hoặc gân khác ở bàn chân và xung quanh mắt cá chân.
► Phòng ngừa bong gân mắt cá chân
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bong gân mắt cá chân là duy trì sức mạnh cơ bắp, cân bằng, và tính linh hoạt tốt. Các biện pháp phòng ngừa sau sẽ giúp ngăn ngừa bong gân bao gồm:
• Khởi động kỹ trước khi tập thể dục và tham gia các hoạt động thể chất.
• Thực hiện các bài tập tăng cường để cải thiện sự ổn định của mắt cá chân.
• Chú ý cẩn thận khi đi bộ, chạy, hoặc làm việc, di chuyển trên bề mặt không bằng phẳng.
• Chọn giày phù hợp với từng hoạt động tham gia.
• Thực hiện đúng các động tác, tránh trường hợp bị chấn thương đột ngột do sai tư thế.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.