Chảy máu cam là một trong những hiện tượng xuất hiện phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, điều này lại khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng về sức khoẻ của con mình. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và những cách sơ cứu đúng khi trẻ chảy máu cam nhé.
Chảy máu mũi hay chảy máu cam là hiện tượng chảy máu từ niêm mạc mũi do mạch máu bên trong mũi bị vỡ. Hầu hết các trường hợp chảy máu cam ở trẻ em xảy ra tại phần mũi trước. Phần mũi này có nhiều mạch máu nhỏ và rất dễ bị tổn thương.
Một số nguyên nhân phổ biến gây chảy máu cam ở trẻ:
- Không khí khô
- Các tổn thương do ngoáy mũi, trầy xước mũi…
- Xì mũi quá mạnh
- Chấn thương do va đập trực tiếp vào mũi
- Cảm lạnh và dị ứng
- Dị vật trong mũi
Trong nhiều trường hợp, không tìm thấy được nguyên nhân cụ thể cho hiện tượng chảy máu cam.
Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam:
- Đầu tiên, bạn cần giữ bình tĩnh và an ủi trẻ để thực hiện các thao tác cầm máu cơ bản.
- Giữ trẻ ở tư thế ngồi, hơi nghiêng về phía trước và không cho trẻ nằm để ngăn máu chảy ngược về phía họng, gây nôn mửa. Đồng thời không nên để trẻ đặt đầu vào giữa hai đầu gối khiến máu chảy nhiều hơn.
- Khuyến khích trẻ thở bằng miệng và nhẹ nhàng dùng ngón tay đè lên cánh mũi trẻ trong khoảng 5 - 10 phút. Bạn không nên thả tay ra quá sớm hoặc nhiều lần để kiểm tra máu đã ngừng chảy chưa.
- Đặt túi chườm đá lên sống mũi. Lưu ý không nhét khăn giấy hoặc gạc vào mũi trẻ.
- Nếu trẻ vẫn chảy máu không ngừng, lặp lại các bước trên một lần nữa.
- Khi máu đã ngừng chảy, hãy nhắc nhở trẻ không chà xát, ngoáy hay xì mũi trong 2 đến 3 ngày để các mạch máu bị vỡ được chữa lành.
Tuy nhiên, phụ huynh không nên chủ quan, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn chính xác khi trẻ có các triệu chứng sau:
- Trẻ chảy máu mũi liên tục và không thể cầm máu.
- Trẻ có vết thương ở đầu hoặc mặt.
- Trẻ cảm thấy chóng mặt, đau yếu, khó chịu hoặc khó thở.
- Trẻ bị chảy máu mũi kèm theo xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể hoặc chảy máu đồng thời ở khu vực khác như trong phân, nước tiểu, nướu...
- Dị vật bị kẹt trong mũi trẻ.