Bí tiểu là tình trạng bàng quang căng đầy nước tiểu nhưng không thể làm rỗng hoàn toàn khi đi tiểu và tạo cảm giác buồn tiểu thường xuyên.
Bí tiểu được chia làm 2 loại: bí tiểu cấp tính và bí tiểu mãn tính.
Triệu chứng
-
Bí tiểu cấp tính: Tình trạng bí tiểu xảy ra đột ngột. Người bệnh cảm thấy buồn tiểu nhưng không thể đi tiểu được, từ đó gây tức bụng và đau vùng bụng dưới. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tình trạng bí tiểu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
-
Bí tiểu mãn tính: Tình trạng bí tiểu xảy ra trong thời gian dài. Người bệnh có thể đi tiểu, nhưng bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn. Ở giai đoạn đầu, bí tiểu mãn tính không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng bí tiểu kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn nếu bạn có một hoặc nhiều triệu chứng sau:
-
Phải đi tiểu thường xuyên (trên 8 lần/ngày).
-
Rất khó để nước tiểu thoát ra. Khởi sự đi tiểu khó khăn.
-
Dòng nước tiểu yếu hoặc vừa bắt đầu thì dừng lại.
-
Có cảm giác cần đi tiểu lại ngay sau khi đi tiểu xong.
-
Đi tiểu nhiều lần trong đêm.
-
Nước tiểu rò rỉ suốt cả ngày.
-
Tiểu gấp không tự chủ hoặc cảm giác muốn đi tiểu ngay lập tức, không có khả năng nhịn tiểu.
-
Không nhận biết được khi nào bàng quang đầy.
-
Cảm giác khó chịu hoặc căng ở vùng xương chậu/ bụng dưới.
Nguyên nhân
Đường tiểu dưới bao gồm bàng quang (nơi lưu trữ nước tiểu) và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài).
Bên cạnh đó là hai bộ cơ, được gọi là cơ vòng:
-
Cơ vòng bên trong là nơi niệu đạo kết nối với bàng quang (lối ra bàng quang).
-
Cơ vòng bên ngoài, nằm ở phía dưới niệu đạo, đóng mở để kiểm soát thời điểm nước tiểu có thể ra khỏi bàng quang.
Ở nam giới, tuyến tiền liệt cũng là một phần của hệ thống này. Tuyến tiền liệt bao quanh dọc theo niệu đạo, qua khung chậu giữa hai cơ vòng.
Khi đi tiểu, các cơ trong bàng quang co bóp để đẩy nước tiểu ra ngoài. Đồng thời, hệ thống thần kinh ra lệnh cho các cơ vòng mở ra và nước tiểu đi qua niệu đạo, sau đó ra khỏi cơ thể. Hai cơ vòng được tạo thành từ các loại cơ khác nhau, vì vậy không thể kiểm soát cơ vòng bên trong mà chỉ có thể kiểm soát cơ vòng bên ngoài.
Bất kỳ trục trặc nào xảy ra tại các cấu trúc trên hoặc thần kinh chi phối đều có thể là nguyên nhân gây bí tiểu.
Bệnh được điều trị như thế nào?
-
Bí tiểu cấp tính: Đây là tình trạng cấp cứu, bác sĩ sẽ nhanh chóng đặt một ống thông tiểu vào bàng quang để giúp bệnh nhân thải nước tiểu ra ngoài.
-
Bí tiểu mãn tính: Bệnh nhân sẽ được điều trị nếu xuất hiện các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc các biến chứng về đường tiết niệu.
Các phương pháp điều trị bao gồm:
1. Thông tiểu
Ống thông tiểu cần được đặt để giải thoát nước tiểu ra khỏi bàng quang nếu không giải quyết ngay được nguyên nhân gây bí tiểu.
2. Nong niệu đạo
Thủ thuật này được sử dụng để nong rộng nơi hẹp niệu đạo, giúp lưu thông nước tiểu dễ dàng hơn.
Loại ống được sử dụng thường có đường kính tăng dần hoặc loại ống có bóng được đưa vào niệu đạo, sau đó bơm căng bong bóng dẫn.
3. Nội soi bàng quang
Ống nội soi bàng quang mềm được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Bác sĩ có thể tìm và lấy sỏi hoặc các vật thể lạ ra khỏi bàng quang, cổ bàng quang hoặc niệu đạo.
4. Thuốc
Một số loại thuốc cải thiện tình trạng bí tiểu có thể được sử dụng dưới sự chỉ định và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.
5. Thay đổi thói quen
Bạn có thể kiểm soát bàng quang bằng cách:
-
Kiểm soát lượng nước uống và thời gian uống trong ngày.
-
Tập luyện các bài tập cơ vùng chậu
-
Áp dụng các bài tập và kỹ thuật phục hồi bàng quang.
6. Phẫu thuật
Nếu thuốc và các biện pháp điều trị khác không hiệu quả, có thể tiến hành phẫu thuật. Ở nam giới, hầu hết các thủ thuật phẫu thuật được thực hiện bằng cách đưa dụng cụ chuyên dụng qua niệu đạo và tiến hành phẫu thuật bằng tia laser hoặc các công cụ khác.
Tóm lại, cả bí tiểu cấp tính và mãn tính thường dễ chẩn đoán và có thể kết hợp các phương pháp điều trị để tránh các biến chứng lâu dài. Trong trường hợp không thể điều trị khỏi hoàn toàn, người bệnh có thể cần đặt ống thông tiểu cách quãng nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hoặc sinh hoạt hàng ngày.
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH):
☎️ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận