Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

GÃY XƯƠNG: DẤU HIỆU GÃY XƯƠNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

23/10/2024

0
Gãy xương là tình trạng rất phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những chấn thương thể thao cho đến những tai nạn té ngã, chúng ta đều có thể gãy xương. Đây là tình trạng nghiêm trọng cần được xử lý kịp thời, tránh làm phát sinh các biến chứng khác. Bên cạnh đó, các bệnh như ung thư và loãng xương là yếu tố làm tăng nguy cơ bị gãy xương bởi vì nó làm xương yếu ớt và dễ bị tổn thương. 
 
► Gãy xương là gì?
 
Gãy xương là hiện tượng phá vỡ xương. Gãy xương xảy ra khi có một ngoại lực tác động đến lớn hơn sức chịu đựng của xương. Điều này làm rối loạn cấu trúc và sức chịu đựng của xương, dẫn đến cơn đau và mất đi chức năng xương, đôi khi chỗ xương bị gãy sẽ chảy máu xung quanh. 
 
1. Tình trạng gãy xương có thể phân thành các dạng sau: 
 
  • Gãy xương kín: Trường hợp gãy xương không kèm theo vết thương bên ngoài da, lớp da còn nguyên vẹn.  
  • Gãy xương hở: Trường hợp rách da, đầu xương gãy tiếp xúc với môi trường bên ngoài qua vết thương. 
  • Gãy nguyên tại vị trí – không di lệch: Trường hợp xương gãy vẫn nằm ở vị trí cũ, hầu như không lệch ra khỏi vị trí ban đầu. 
  • Gãy xương di lệch: Trường hợp xương bị gãy thành nhiều mảnh và các đầu xương gãy lệch nhau. 
  • Gãy vụn: Trường hợp xương gãy thành nhiều mảnh. 
  • Gãy xiên: Trường hợp chỗ gãy xảy ra tại một góc nghiêng tương đối với đường thẳng của xương. 
  • Gãy ngang: Đường gãy gần như hoặc vuông góc với trục dọc của xương.

  
 
2. Gãy xương bệnh lý xảy ra với chỉ những chấn thương rất nhẹ lên một vùng xương yếu do các bệnh lý gây ra: ví dụ như loãng xương, ung thư, nhiễm trùng… Khi nguyên nhân là do loãng xương, loại gãy này thường được gọi là gãy giòn. 
 
3. Gãy xương do căng thẳng là kết quả của việc áp dụng lực vừa phải lặp đi lặp lại, như có thể xảy ra ở những người chạy đường dài… Thông thường, các tổn thương lên xương do các vi chấn thương ở mưc độ vừa phải có thể được tự hồi phục khi nghỉ ngơi, tuy nhiên việc chấn thương lặp đi lặp lại tại cùng một vị trí sẽ dẫn tới các thương tổn phức tạp hơn cũng như làm các vi chấn thương truyền rộng ra. 
 
 
► Đối tượng nào dễ bị gãy xương? 
 
Bất kỳ ai cũng có thể bị gãy xương do chấn thương như ngã, tai nạn hoặc chấn thương thể thao gây ra. Đặc biệt là đối tượng bị loãng xương do xương bị suy yếu khiến chúng dễ bị gãy đột ngột và bất ngờ. Nhiều người sẽ không biết mình bị loãng xương cho đến khi bị gãy xương, và thường không có triệu chứng rõ ràng trước đó. Đặc biệt, người trên 50 tuổi sẽ có nguy cơ phát triển loãng xương cao hơn. 
 
► Các nguyên nhân gây gãy xương
 
Gãy xương hầu như luôn do chấn thương gây ra. Bất kỳ thứ gì tác động mạnh vào xương đều có thể làm gãy xương. Một số nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm: 
 
  • Tai nạn 
  • Té ngã 
  • Chấn thương thể thao 
     
Đôi khi mọi người có thể bị gãy xương mà không cần trải qua chấn thương cụ thể. Các lực lặp đi lặp lại nhiều lần như chạy bộ hoặc tập luyện thể thao có thể gây ra gãy xương do căng thẳng. Tương tự, việc lặp đi lặp lại một chuyển động hoặc động tác trong một thời gian dài có thể dẫn đến hội chứng quá sức ở tay và cánh tay. Nếu chơi nhạc cụ hoặc sử dụng tay theo cùng một cách hàng ngày trong công việc, sẽ có nguy cơ cao hơn bị gãy xương do căng thẳng.  
 
Nguy cơ bị gãy xương sẽ tăng lên đáng kể nếu bị loãng xương. Loãng xương là nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy xương.
 
► Dấu hiệu gãy xương 
 
Các triệu chứng của gãy xương bao gồm: 
 
  • Đau, đau khi chạm vào vùng bị tổn thương
  • Sưng
  • Mất chức năng vùng bị chấn thương, không thể di chuyển một phần cơ thể như bình thường
  • Bầm tím hoặc đổi màu vùng bị chấn thương
  • Biến dạng bất thường ở vị trí gãy


► Biến chứng của gãy xương 
 
Mặc dù gãy xương thường lành lại với điều trị phù hợp, nhưng có thể gặp các biến chứng như:
 
  • Xương lành sai vị trí: Vết gãy có thể lành ở vị trí sai, hoặc các xương có thể dịch chuyển trong quá trình lành.
    Gián đoạn sự phát triển của xương: Nếu một vết gãy xương ở trẻ em bị gián đoạn trong quá trình lành, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của xương đó. Điều này có thể làm tăng nguy cơ biến dạng xương trong tương lai.
  • Nhiễm trùng xương hoặc tủy xương: Trong một vết gãy hở, vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết rách trên da và gây nhiễm trùng xương hoặc tủy xương. Điều này có thể trở thành một nhiễm trùng dai dẳng.
    Hoại tử xương (hoại tử vô mạch): Nếu xương mất đi nguồn cung cấp máu cần thiết, nó có thể bị hoại tử. 
  • Không liền hoặc chậm liền xương: Không liền là các vết gãy không hồi phục, trong khi chậm liền là các vết gãy cần thời gian lâu hơn để hồi phục.
     
► Phương pháp chẩn đoán
 
  • Đánh giá các tổn thương nghiêm trọng
  • Tìm hiểu bệnh sử và khám lâm sàng
  • Chụp X-quang: Giúp xác định gãy xương, cho hình ảnh hình thái xương (và có thể là tràn dịch khớp thứ phát do chảy máu ở các loại gãy xương kín đáo), rất hữu ích để chẩn đoán gãy xương.
  • Cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng từ trường mạnh để tạo ra những hình ảnh rất chi tiết của xương. MRI thường được sử dụng để chẩn đoán gãy xương kín. 
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Để tạo ra các lát cắt chi tiết của xương
     
 
► Điều trị gãy xương
 
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ và vị trí của vết gãy. Nguyên tắc quan trọng trong điều trị gãy xương là sắp xếp xương gãy về đúng vị trí, sử dụng bột hoặc nẹp để cố định ổ gãy ngay sau khi nắn chỉnh.
 
1. Bất động
 
Nếu tình trạng gãy xương nhẹ và xương không di chuyển quá xa khỏi vị trí (gãy không di lệch), bác sĩ sẽ chỉ định nẹp cố định hoặc bó bột. Việc bó bột thường kéo dài từ 3 đến 5 tuần. Nếu nẹp cố định xương, thường sẽ kéo dài lâu hơn, thường là 6 đến 8 tuần. Trong cả hai trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang theo dõi để đảm bảo xương của bệnh nhân đang lành lại đúng cách.   
 
2. Nắn xương kín
 
Những vết gãy nghiêm trọng hơn yêu cầu nắn xương kín để đặt (căn chỉnh lại) xương. Trong quy trình không phẫu thuật này, bác sĩ sẽ đẩy và kéo cơ thể bạn từ bên ngoài để căn chỉnh các xương gãy bên trong cơ thể bạn. Để ngăn ngừa tình trạng cảm thấy đau trong quá trình nắn chỉnh cho người bệnh, có những phương pháp hỗ trợ quá trình nắn chỉnh như sau: 
  
  • Gây tê tại vị trí gãy để làm tê khu vực xung quanh 
  • Sử dụng thuốc an thần để làm thư giãn toàn bộ cơ thể của bạn
  • Gây mê trong suốt quy trình nắn xương 
     
Sau khi nắn xương kín, vết thương sẽ được nẹp và bó bột. 

 
3. Phẫu thuật gãy xương
 
Một số ca gãy xương cần đến sự can thiệp phẫu thuật tùy thuộc vào mức độ gãy xương và mức độ tổn thương.
 
4. Cố định trong 
 
Đoạn xương bị gãy sẽ được cố định và đặt về đúng vị trí để có thể lành lại và gắn kết trở lại. Kỹ thuật này được gọi là cố định trong, bác sĩ phẫu thuật sẽ chèn các mảnh kim loại vào xương để giữ nó ở vị trí đúng đến khi nó lành lại. Phần cơ ở khúc xương được cố định sẽ bị hạn chế cử động để đảm bảo xương của bạn có thể lành hoàn toàn. 
 
5. Cố định ngoài
 
Chỗ xương gãy có thể cần cố định ngoài. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt các ốc vít vào xương của ở cả hai bên vết gãy bên trong cơ thể và sau đó kết nối chúng với một khung hoặc giá đỡ quanh xương bên ngoài, để giữ xương không bị xê dịch trong quá trình tự lành. Đây thường là một cách tạm thời để ổn định xương gãy và cho nó thời gian bắt đầu lành lại trước khi thực hiện cố định trong. 
 
6. Thay khớp
 
Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp gãy xương làm tổn thương, hư hại nghiêm trọng đầu trên xương đùi hoặc xương cánh tay. Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khớp bị hư hỏng và thay thế nó bằng một khớp nhân tạo. 
 
7. Ghép xương
 
Ghép xương sẽ được áp dụng nếu khúc xương gãy bị di lệch nghiêm trọng hoặc trong trường hợp chậm lành xương hoặc xương gãy không thể chữa lành.  
 
Khi điều trị cho người cao tuổi, bác sĩ sẽ cân nhắc chọn phương án giúp vận động lại sớm nhất. Đối với người cao tuổi, mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân nhanh chóng quay trở lại các hoạt động của cuộc sống hàng ngày, vì việc bất động (bất động khớp hoặc nghỉ ngơi trên giường) gây nhiều nguy cơ, tác dụng phụ… 
 
Khi bị gãy xương bệnh nhân cần được điều trị tích cực, đúng lộ trình để tránh các biến chứng không mong muốn, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động, lao động và chất lượng cuộc sống. 
 
► Các biện pháp phòng ngừa gãy xương
 
  • Luôn đeo dây an toàn khi ngồi trên xe (nếu đi ô tô).  
  • Sử dụng thiết bị bảo hộ phù hợp cho tất cả các hoạt động và thể thao.  
  • Đảm bảo nhà cửa và nơi làm việc không bị lộn xộn, tránh gây cản trở hoặc trượt ngã. 
  • Luôn sử dụng công cụ hoặc thiết bị hỗ trợ phù hợp tại nhà để lấy đồ vật. Không đứng lên ghế, bàn hay mặt bàn.   
  • Tuân thủ chế độ ăn uống và tập luyện giúp duy trì sức khỏe xương tốt. 
  • Xét nghiệm mật độ xương nếu trên 50 tuổi hoặc có tiền sử gia đình bị loãng xương.
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ đi lại như gậy chống, nạng, khung tập đi nếu gặp khó khăn khi di chuyển hoặc có nguy cơ bị ngã.

--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
 

Bình luận

Tìm kiếm

Tin mới nhất

Mới nhất
  • 23/11/2024

    CHƯƠNG TRÌNH BỔ SUNG VITAMIN A ĐỢT 2 CHO TRẺ 6 – 35 THÁNG TUỔI TẠI BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MỸ (AIH)

  • 22/11/2024

    GS.BS SAIJO YASUO - BẬC THẦY ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TẠI BỆNH VIỆN AIH: "65% BỆNH NHÂN UNG THƯ CÓ THỂ SỐNG TRÊN 5 NĂM VÀ TỈ LỆ NÀY ĐANG ĐƯỢC CẢI THIỆN"

  • 20/11/2024

    BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MỸ THÀNH LẬP TRUNG TÂM CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH TẦM CỠ KHU VỰC

Đặt lịch khámĐặt lịch khám

Vui lòng hoàn tất đặt lịch khám với thanh chức năng ở trên

Đội ngũ bác sĩ

Các chuyên gia tại AIH

  • Nguyễn Hồng Trung

    Khoa Chấn thương chỉnh hình

    ThS. BS. Nguyễn Hồng Trung tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa và Thạc sĩ Ngoại khoa tại Đại học Y Dược Huế. Bác sĩ Trung có hơn 30 năm kinh nghiệm quản lý, khám và điều trị tại các bệnh viện lớn TP.HCM. Từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc chuyên môn tại Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Dương. Hiện tại, ThS. BS. Nguyễn Hồng Trung đang giữ vai trò Giám đốc Y khoa tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH).

    Tìm hiểu thêm
  • Nguyễn Viết Thịnh

    Khoa Chấn thương chỉnh hình

    Mong muốn có thể giúp đỡ được nhiều người là động lực để Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Viết Thịnh quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành Bác sĩ. Có cơ hội làm việc ở nhiều bệnh viện lớn, học hỏi từ các chuyên gia đầu ngành và các bác sĩ nước ngoài, Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Viết Thịnh không ngừng nỗ lực nâng cao kiến thức chuyên môn về Chấn thương chỉnh hình, tích luỹ kinh nghiệm trong từng ca bệnh và luôn tận tâm với nghề thầy thuốc cao quý. 

    Tìm hiểu thêm
  • Esser Rene Daniel

    Khoa Chấn thương chỉnh hình

    GS. TS. BS. René D. Esser là Giáo sư, Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình - Nguyên trưởng Khoa Đại học Stanford, USA; nguyên Trưởng Khoa Bệnh viện Markgroeningen, Tây Đức, nguyên Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Polyclinique du Ternois, Pháp;  Nguyên Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quốc Gia Tupua Tamasese Meaole, Samoa. ​Với bề dày hơn 40 năm kinh nghiệm, GS. TS. BS. René D. Esser là một trong số ít các bác sĩ ngoại khoa – chấn thương chỉnh hình có thể chữa trị cho những ca bệnh dị tật bẩm sinh và các bệnh lý chấn thương nghiêm trọng tại Việt Nam.

    Tìm hiểu thêm