Thông báo
Vui lòng điền vào thông tin bên dưới
Khẩn cấp
Chữa sỏi thận: Uống nhiều nước hay lấy sỏi?
Bệnh sỏi thận thường tiến triển âm thầm, người bệnh tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc có dấu hiệu đau lưng, đau hông kéo dài. Sỏi thận để lâu ngày sẽ dẫn đến nhiễm trùng, suy thận.
Sỏi thận hình thành như thế nào?
Sỏi thận hình thành do sự lắng đọng, kết tinh những chất hòa tan trong nước tiểu. Có đến 10% - 15% dân số Việt Nam bị sỏi thận. Lứa tuổi thường mắc sỏi thận là từ 40 tuổi trở lên.
Ai dễ bị sỏi thận?
Hiện y học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra sỏi thận, thế nhưng các bác sĩ ghi nhận có nhiều yếu tố khiến sỏi thận hình thành:
- Uống ít nước: Thói quen uống ít nước là nguyên nhân thường gặp nhất, đặc biệt là với người lao động nặng nhọc, sống trong điều kiện thời tiết nóng bức, làm việc cả ngày nhưng uống không đủ nước. Vì uống ít nước nên nước tiểu bị cô đặc, một số tinh thể trong nước tiểu sẽ lắng đọng, tạo thành sỏi.
- Chế độ ăn nhiều đạm, nhiều muối: Người có sở thích ăn mặn, ăn thực phẩm chứa chất purine như cá khô, thịt khô, mắm, lòng bò, lòng heo… cũng dễ bị sỏi thận.
- Mắc bệnh lý sẵn có: Một số người mắc một số bệnh về đường ruột gây tiêu chảy mạn tính, tiền sử mổ cắt ruột… ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dịch và các khoáng chất như canxi, phốt pho; người mắc bệnh thận dạng toan hóa ống thận gây lắng đọng canxi trong thận; người bệnh gout; người có những bất thường trong cấu trúc đường tiểu cũng dễ hình thành sỏi thận.
- Nhiễm khuẩn đường tiểu tái phát nhiều lần: Một số vi khuẩn làm giảm tính axit nước tiểu. Sỏi Magnesium ammonium phosphate (struvite) hình thành trong nước tiểu có tính kiềm. Sỏi này thường có kích thước lớn, có nhánh và phát triển rất nhanh.
Cách nào phát hiện sớm sỏi thận?
Người bị sỏi thận được phân chia thành 3 thể chính:
- Không có triệu chứng: Người bệnh được phát hiện mắc sỏi thận tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ. 95% trường hợp có sỏi thận sẽ được phát hiện ra bệnh nhờ siêu âm. Kích thước sỏi ít liên quan đến triệu chứng. Những sỏi nhỏ thường không có triệu chứng trừ khi sỏi rớt xuống ống niệu quản, sỏi lớn nằm ở bể thận hay đài thận thường gây đau âm ỉ một bên lưng.
- Đau thắt lưng một bên: Một số trường hợp, sỏi từ trên thận rơi xuống niệu quản, ống dẫn nước tiểu xuống bàng quang gây tắc nghẽn. Lúc này sỏi bị kẹt lại trong ống niệu quản, nước tiểu không lưu thông tốt, làm thận bị căng ra gây đau. Bên cạnh đó, người bệnh kèm theo những triệu chứng buồn nôn, hoặc nôn ói. Cơn đau thường rất dữ dội nhiều, đau từ phía sau lưng lan ra phía trước vùng bụng dưới.
Nếu kích thước sỏi nhỏ dưới 5 mm, sỏi niệu quản có thể được “tống” ra ngoài theo đường tiểu sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu không may, sỏi kẹt quá lâu làm thận ứ nước nhiều, gây giảm chức năng. Nếu thận lâu ngày không hoạt động, không lọc được máu được sẽ dẫn đến hư thận.
- Biến chứng nhiễm trùng: Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp ở người bệnh sỏi thận. Người bệnh có triệu chứng như sốt lạnh run, đau một bên hông lưng, tiểu nhiều lần, tiểu gắt buốt hoặc tiểu máu. Đây là biến chứng nặng và nguy hiểm, người bệnh cần phải đến cơ sở y tế để được điều trị càng sớm càng tốt.
Chữa sỏi thận không đau
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh sỏi thận. Đối với sỏi nhỏ, ít triệu chứng thì người bệnh chỉ cần được theo dõi, uống nhiều nước, điều chỉnh chế độ ăn hoặc dùng thuốc. Đối với sỏi thận lớn hoặc sỏi có biến chứng, cần áp dụng các phương pháp điều trị tích cực hơn.
- Theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn: Nếu sỏi nhỏ hơn 5 mm, người bệnh không có triệu chứng thì không cần điều trị. Người bệnh chỉ cần được theo dõi, điều chỉnh chế độ ăn, hạn chế các thức ăn có nhiều muối, chất đạm, ăn nhiều rau quả, đặc biệt cần uống nhiều nước để giúp “giải phóng” sỏi nhỏ ra khỏi cơ thể qua đường tiểu.
- Tán sỏi ngoài cơ thể: Đây là phương pháp điều trị sỏi thận không xâm lấn được áp dụng phổ biến và người bệnh sau khi được điều trị có thể về ngay trong ngày. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nằm trên máy tán sỏi và dùng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để tán vỡ nó ra.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho sỏi có kích thước dưới 2 cm, không khuyến cáo dùng cho bệnh nhân có sỏi lớn hơn. Vì khi tán sỏi lớn, phải tán nhiều lần, khi sỏi vỡ thường sỏi sẽ rớt từ thận xuống đường tiểu gây tắc nghẽn ống dẫn tiểu. Lúc đó, phải dùng tiếp các phương pháp khác để điều trị cho người bệnh mới lấy được hết sỏi.
- Tán sỏi nội soi: Là kỹ thuật đưa một ống soi nhỏ, gọi là ống soi niệu quản, từ lổ tiểu vào bàng quang, lên niệu quản và trong thận để tán sỏi. Ống soi niệu cho phép bác sĩ nhìn thấy sỏi và không có vết mổ. Người bệnh có thể được cho ngủ trong khi phẫu thuật. Khi bác sĩ nhìn thấy sỏi, một cái rọ nhỏ được dùng để bắt sỏi và lấy ra. Nếu sỏi quá to, sỏi phải được phá vỡ thành nhiều mảnh nhỏ bằng laser.
- Tán sỏi thận qua da: Đây là kỹ thuật điều trị sỏi thận ít xâm lấn theo xu hướng hiện nay, thích hợp điều trị cho người bệnh có sỏi lớn. Bệnh nhân sẽ được lấy sỏi qua một đường mổ nhỏ từ ngoài da vào trong thận cỡ 8 mm để đưa ống nội soi vào, sau đó chiếu tia laser vào để tán sỏi.
Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) được trang bị ống soi mềm thận - niệu quản, tán sỏi không có vết mổ và dụng cụ lấy sỏi thận qua da hiện đại Mini-PCNL với đường mổ rất nhỏ (chỉ khoảng 3 – 4 mm) để tán sỏi với laser. Đây là kỹ thuật cao điều trị sỏi thận hiệu quả, có thể thay thế mổ mở, ít đau đớn, ít chảy máu, nhanh hồi phục, bảo vệ tối đa chức năng thận. Sau mổ, bệnh nhân nằm viện từ 2 - 3 ngày.
Tránh sỏi thận tái phát bằng cách nào?
Để tránh bị sỏi thận tái phát, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm thêm máu và nước tiểu chuyên sâu và phân chất sỏi (sỏi thận sau phẫu thuật) để biết chính xác thành phần tạo ra sỏi và các nguy cơ hình thành sỏi, từ đó có biện pháp giúp người bệnh phòng ngừa sỏi.
Bệnh nhân cần thay đổi thói quen ăn uống, lối sống chưa tốt. Hạn chế ăn các thực phẩm có chứa nhiều muối, nên ăn ít chất đạm động vật, ăn nhiều rau quả, tiêu thụ một lượng canxi vừa đủ. Người bệnh nên uống từ 2,5 - 3 lít nước mỗi ngày, có thể giúp loại bỏ những sỏi thận nhỏ qua đường tiểu.
Dù màu sắc nước tiểu không thể xác định được có bị sỏi thận hay không. Thế nhưng, để biết cơ thể đủ hay thiếu nước, có thể nhìn vào màu sắc nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu trắng hoặc vàng nhạt, chứng tỏ bạn uống đủ nước. Còn nước tiểu màu vàng sậm hơn báo hiệu cơ thể bạn đang thiếu nước.
ThS. BS. Nguyễn Tân Cương
Bác sĩ chuyên khoa Thận Niệu – Nam khoa, Phó Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
Tìm kiếm
Tin tức
Bác sĩ
Để lại bình luận