Dây chằng chéo sau nằm ở bên trong cấu trúc của khớp gối và nó nằm phía sau dây chằng chéo trước. Dây chằng chéo sau là một trong rất nhiều dây chằng kết nối xương đùi với xương ống chân. Chức năng của dây chằng chéo sau là để giữ xương ống chân cử động chân về phía sau kết hợp với xương đùi. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra chấn thương dây chằng chéo sau là do tai nạn xe hoặc chấn thương thể thao làm đầu gối tiếp đất trực tiếp và chịu lực. Bên cạnh đó, chấn thương dây chằng chéo sau có thể đến từ những cú xoắn đầu gối mạnh hoặc là va chạm mạnh đến từ thể thao.
► Chấn thương dây chằng chéo sau là gì?
Dây chằng chéo sau nằm ở trung tâm khớp gối, ngay phía sau của dây chằng chéo trước.
Chấn thương dây chằng chéo sau là tình trạng bị kéo giãn, rách một phần hoặc là đứt hoàn toàn dây chằng chéo sau. Chấn thuơng dây chằng chéo sau thường do các lực tác động vào dây chằng quá lớn, gây tổn thương từ nhẹ đến nặng.
► Những ai có nguy cơ bị chấn thương dây chằng chéo sau?
Ai cũng có thể là đối tượng của chấn thương dây chằng chéo trước, nhưng chấn thương sẽ phổ biến hơn đối với các vận động viên thể thao, đặc biệt là cầu thủ bóng đá, bóng rổ,...
► Nguyên nhân gây chấn thương dây chằng chéo sau
Bạn có thể bị chấn thương đầu gối do các nguyên nhân bên dưới:
-
Ngã trực tiếp và tiếp đất bằng đầu gối lúc cong lại
-
Uốn đầu gối quá cong về phía sau
-
Khớp chân bị trật
-
Nhảy và tiếp đất sai tư thế
-
Chấn thương đầu gối do tai nạn giao thông
► Dấu hiệu chấn thương dây chằng chéo sau:
-
Đau khớp gối nhẹ đến nặng hơn theo thời gian
-
Sưng và viêm tại khớp gối
-
Cảm giác đầu gối cứng và không ổn định lúc cử động
-
Di chuyển khó khăn
-
Không thể lên/xuống cầu thang
► Biến chứng của chấn thương dây chằng chéo sau:
-
Tổn thương thần kinh mạch máu (ví dụ: tổn thương động mạch khoeo)
-
Gãy xương
-
Thoái hoá xương bánh chè/xương chày trong dần phát triển
-
Hoại tử xương
-
Cứng khớp
-
Khó tự tái tạo dây chằng và sụn chêm
► Chẩn đoán chấn thương dây chằng chéo sau như thế nào?
1. Khám lâm sàng
Bác sĩ chẩn đoán sẽ kiểm tra cấu trúc khớp gối bị chấn thương của bệnh nhân. Nếu như khớp gối của bệnh nhân bị chùng về phía sau khi uốn cong thì khả năng cao bệnh nhân đã bị chấn thương dây chằng chéo sau, bị chùng về phía sau rất xa so với khớp gối bình thường (uốn cong được hơn 90 độ).
2. Chẩn đoán hình ảnh
Bác sĩ chẩn đoán sẽ chụp X-Quang và chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân bị chấn thương dây chằng chéo sau
-
Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể cho thấy được tình trạng dây chằng kéo rách các mảnh xương, còn được gọi là gãy xương bong gân.
-
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ MRI có thể cho thấy được hình ảnh rõ nét hơn về các mô mềm, từ đó có thể thấy được cụ thể chấn thương dây chằng chéo sau hơn chụp X-Quang, đánh giá chính xác mức độ tổn thương, đồng thời cho biết thêm tình trạng của xương.
► Điều trị chấn thương dây chằng chéo sau
1. Điều trị không phẫu thuật
Nếu bệnh nhân chỉ bị chấn thương dây chằng chéo sau, chấn thương của bệnh nhân có thể phục hồi tốt mà không cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể khuyến nghị các phương pháp điều trị không phẫu thuật như:
-
RICE: Khi bệnh nhân mới bị thương, phương pháp RICE — nghỉ ngơi, chườm đá, nén nhẹ và nâng cao chân — có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục của bệnh nhân.
-
Nẹp đầu gối: Bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng một loại nẹp đặc biệt để ngăn xương chày không bị sụp về phía sau (trọng lực có xu hướng kéo xương về phía sau khi bệnh nhân nằm xuống). Để bảo vệ đầu gối của bệnh nhân thêm, bệnh nhân có thể được cho sử dụng nạng để tránh đặt trọng lượng lên chân.
-
Vật lý trị liệu: Khi triệu chứng sưng thuyên giảm, bệnh nhân sẽ thực hiện các bài tập phục hồi chức năng, giúp khôi phục chức năng cho đầu gối của bệnh nhân và tăng cường các cơ chân hỗ trợ đầu gối. Việc tăng cường các cơ ở phía trước đùi (cơ tứ đầu đùi) được chứng minh là yếu tố quan trọng trong quá trình hồi phục thành công.
2. Điều trị phẫu thuật
-
Tái tạo dây chằng: Vì việc khâu lại hai đầu dây chằng thường khó để lành lại vết rách, nên dây chằng chéo sau bị rách thường được tái tại lại bằng các phương pháp khác nhau. Bác sĩ sẽ thay thế dây chằng bị rách của bệnh nhân bằng một mảnh ghép mô. Mảnh ghép này thường được lấy từ một phần khác của cơ thể bệnh nhân hoặc từ một người hiến tặng.
-
Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi khớp với các vết mổ nhỏ; tuy nhiên, một số bác sĩ phẫu thuật vẫn có thể thực hiện thêm một vết mổ bên cạnh đầu gối. Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật mở truyền thống, giúp bệnh nhân ít đau đớn hơn sau phẫu thuật và thời gian phục hồi nhanh hơn.
► Một số lưu ý cho người bệnh sau khi điều trị
Việc phục hồi chức năng rất quan trọng đối với người bị chấn thương dây chằng chéo sau, giúp bệnh nhân quay trở lại các hoạt động hàng ngày. Chương trình vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân phục hồi sức mạnh và cử động của đầu gối. Nếu bệnh nhân đã phẫu thuật, vật lý trị liệu sẽ bắt đầu từ 1 đến 4 tuần sau khi thực hiện phẫu thuật.
Thời gian phục hồi sau chấn thương dây chằng chéo sau sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Các chấn thương kết hợp thường có quá trình hồi phục chậm, nhưng hầu hết bệnh nhân đều tiến triển tốt theo thời gian.
Nếu chấn thương của bệnh nhân cần phẫu thuật, có thể mất vài tuần trước khi bệnh nhân quay trở lại công việc văn phòng — và có thể mất vài tháng nếu công việc của bệnh nhân đòi hỏi nhiều hoạt động. Quá trình hồi phục hoàn toàn thường kéo dài từ 6 đến 12 tháng.
► Phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo sau
-
Giãn cơ trước khi tham gia các hoạt động thể chất để làm nóng khớp gối
-
Sử dụng các kỹ thuật phù hợp khi chạy hoặc đi bộ
-
Thận trọng khi tham gia các môn thể thao dễ làm chấn thương dây chằng đầu gối như bóng đá, bóng rổ…
-
Cần chú ý đến các cử động nhanh và mạnh khi chơi thể thao
-
Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh gây áp lực cho khớp gối
--------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH)
☎ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận