Trang chủ - American International Hospital

Đặt lịch khám

Đặt lịch khám

CHẤM DỨT TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY - NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

03/11/2023

0
Bệnh trào ngược dạ dày (TNDD - GERD) là vấn đề sức khỏe rất thường gặp với tần suất ngày càng tăng cùng với sự ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, phần lớn trong chúng ta vẫn chưa có những hiểu biết cần thiết về bệnh lý TNDD. Hãy cùng Ths. Bs Nguyễn Hữu Nhân - Khoa Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tìm hiểu về TNDD nhé!​
 
► TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN LÀ GÌ?​
 
Trào ngược dạ dày (TNDD) là những triệu chứng phiền toái gây giảm chất lượng sống của bệnh nhân, gây tổn thương hoặc gây biến chứng do tình trạng trào ngược tái diễn dịch dạ dày lên thực quản, họng – miệng và/hoặc đường hô hấp.​
 
​TNDD là 1 trong những rối loạn tiêu hóa hàng đầu, tần suất bình quân khoảng 20% ở người trưởng thành tại các nước phương Âu-Mỹ và từ 2.5-7.8% tại các nước Đông Á (bao gồm Việt Nam) và tần suất ngày càng tăng tại các nước châu Á.​
 
► NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ THUẬN LỢI CỦA TNDD:​
 
Cơ vòng thực quản dưới và cơ hoành của chúng ta giúp ngăn ngừa TNDD, bệnh TNDD có thể phát triển nếu cơ thắt thực quản dưới của bạn trở nên yếu hoặc giãn ra vào thời điểm không phù hợp. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ vòng thực quản dưới và dẫn đến TNDD bao gồm:​
 
  • Thoát vị cơ hoành làm tăng khả năng mắc TNDD hoặc làm cho các triệu chứng TNDD trở nên tệ hơn. Thoát vị cơ hoành là tình trạng phần trên của dạ dày di chuyển lên ngực qua lỗ cơ hoành.​
  • Thừa cân hoặc béo phì​
  • Có thai​
  • Hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc thụ động​
  • Một số loại thuốc có thể gây ra TNDD hoặc làm cho các triệu chứng TNDD tệ hơn, bao gồm thuốc benzodiazepin, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chẹn kênh canxi (điều trị huyết áp cao), thuốc chống viêm không steroid (NSAID)…​
 
► BIỂU HIỆN CỦA TNDD THẾ NÀO?​
 
Trào ngược dạ dày thực quản (GER) và bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thường gây ra các triệu chứng điển hình như:​
 
  • Ợ nóng: là cảm giác đau, nóng rát ở giữa ngực, phía sau xương ức, tăng từ đầu dưới xương ức lan lên họng.​
  • Trào ngược: là khi các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản và lên họng miệng.​
 
Tuy nhiên, không phải tất cả người lớn bị GERD đều bị ợ nóng hoặc trào ngược. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:​
 
  • Đau ngực​
  • Buồn nôn​
  • Khó nuốt hoặc đau khi nuốt​
  • Các triệu chứng của biến chứng ở miệng, cổ họng hoặc phổi, chẳng hạn như ho mãn tính hoặc khàn giọng.​
 
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu cho rằng mình bị GERD hoặc nếu các triệu chứng của bạn không thuyên giảm khi dùng thuốc không kê đơn và thay đổi lối sống.​

Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng có thể liên quan đến biến chứng GERD hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, chẳng hạn như:​
 
  • Đau ngực​
  • Nôn ói liên tục​
  • Khó nuốt hoặc đau khi nuốt​
  • Dấu hiệu chảy máu trong đường tiêu hóa, như chất nôn có máu hoặc giống như bã cà phê, phân có máu hoặc có màu đen.​
  • Sụt cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân​
 
​► NHỮNG BIẾN CHỨNG CỦA VIÊM TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN:​
 
Theo thời gian, viêm mạn tính tại thực quản có thể gây ra:​
 
  • Viêm loét thực quản: Axit dạ dày có thể phá vỡ biểu mô thực quản, gây viêm, chảy máu và đôi khi là loét. Viêm thực quản có thể gây đau và khó nuốt.​
  • Hẹp thực quản: Tổn thương viêm loét thực quản dưới từ axit dạ dày khiến mô sẹo hình thành. Mô sẹo có thể gây hẹp đường đi của thức ăn, dẫn đến khó nuốt.​
  • Barrett thực quản: tổn thương niêm mạc thực quản từ axit dạ dày trào ngược kéo dài có thể gây ra biến đổi niêm mạc thực quản đoạn dưới, từ biểu mô lát tầng không sừng thành biểu mô ruột. Những thay đổi này có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư thực quản dưới.​
 
► LÀM SAO ĐỂ KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ PHÙ HỢP?​
 
Nếu bạn có các triệu chứng nêu trên đặc biệt là có các triệu chứng báo động (nuốt đau, nuốt khó, thiếu máu, sụt cân…), hay có người thân trong gia đình mắc ung thư thực quản thì bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa Tiêu Hóa. Bác sĩ ngoài hỏi bệnh và thăm khám, có thể sẽ đề nghị bạn làm thêm xét nghiệm để xác định chẩn đoán, đánh giá tổn thương viêm, sự hiện diện của biến chứng và bất hường khác qua đo pH đoạn dưới thực quản và nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng – NSDD.​
 
Trong đó:​
 
  • Nội soi đường tiêu hóa trên (Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng - NSDD): là một thủ thuật trong đó bác sĩ sử dụng ống nội soi mềm có gắn camera để quan sát niêm mạc đường tiêu hóa trên của bạn, bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng. Trong quá trình NSDD, bác sĩ có thể lấy sinh thiết bằng cách đưa một dụng cụ qua ống nội soi để lấy các mảnh mô nhỏ từ niêm mạc thực quản của bạn. NSDD giúp kiểm tra các biến chứng của TNDD hoặc các vấn đề khác ngoài TNDD có thể gây ra các triệu chứng của bạn.​
  • Theo dõi pH thực quản: là cách chính xác nhất để phát hiện axit dạ dày trào ngược trong thực quản. Để thực hiện theo dõi này, 1 cảm biến điện nhỏ sẽ được đặt vào bên trong thực quản của bạn, ở trên vị trí nối giữa thực quản và dạ dày để đo sự trào ngược axit.​
 
​Trong quá trình theo dõi pH thực quản, bạn sẽ đeo một màn hình nhận thông tin từ cảm biến điện và theo dõi thông tin về chế độ ăn uống, giấc ngủ và các triệu chứng hiện có. Bác sĩ sẽ sử dụng thông tin này để xem chế độ ăn uống, giấc ngủ và các triệu chứng của bạn có liên quan đến trào ngược axit trong thực quản như thế nào. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm này để xác nhận chẩn đoán GERD hoặc để tìm hiểu xem các phương pháp điều trị GERD có hiệu quả hay không. Sau khi chẩn đoán xác định thì bác sĩ sẽ quyết định điều trị TNDD cho bạn bằng thuốc (thuốc giảm tiết acid từ dạ dày, thuốc bảo vệ niêm mạc thực quản, thuốc giảm trào ngược…) và khuyến khích những biện pháp thay đổi lối sống (kiểm soát cân nặng và chế độ ăn, tăng cường vận động, giảm rượu bia, thức ăn cay…) để kiểm soát các triệu chứng TNDD (GERD) hoặc bệnh TNDD (GERD). Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật nếu 2 biện pháp trên kém hay không hiệu quả.​
 
Là một trong 5 chuyên khoa mũi nhọn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), Khoa Tiêu hóa – Gan mật cung cấp đầy đủ các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị các bệnh về đường tiêu hóa. Đội ngũ bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm tại AIH sẽ giúp đưa ra những chẩn đoán chính xác và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp.​
 
Đặc biệt, tại AIH, phòng nội soi tiêu hóa được đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo mang đến cho quý khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất. Tất cả ống nội soi, dây soi… phục vụ nội soi dạ dày tại AIH đều được xử lý, khử trùng bằng máy tự động theo đúng tiêu chuẩn Mỹ trong 45 phút trước khi dùng cho người bệnh.

-------------------
Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH):
☎ Hotline: (028) 3910 9999
🌏 Website: www.aih.com.vn
📍 Địa chỉ: 199 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Bình luận

Tìm kiếm

Tin mới nhất

Mới nhất
  • 26/04/2024

    THÔNG BÁO NGHỈ LỄ 30/4 & 1/5 NĂM 2024​

  • 24/04/2024

    LỚP TƯ VẤN SỨC KHOẺ SINH SẢN 05.05.2024 - SINH THƯỜNG HAY SINH MỔ

  • 22/04/2024

    HEN PHẾ QUẢN Ở TRẺ EM: CÁC TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ

Đặt lịch khámĐặt lịch khám

Vui lòng hoàn tất đặt lịch khám với thanh chức năng ở trên

Đội ngũ bác sĩ

Các chuyên gia tại AIH

  • Nguyễn Hữu Nhân

    Khoa Tiêu hóa - Gan mật

    Với hơn 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêu hóa – Gan mật, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân hiện đang giữ vai trò bác sĩ Nội soi tiêu hóa tại khoa Tiêu hóa - Gan mật – Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH). Đối với bác sĩ Nhân, Y khoa là nghề nghiệp đặc biệt với mục đích mang lại sức khỏe tốt về thể chất và tinh thần cho người bệnh và khách khàng. Do vậy, người bác sĩ phải luôn đặt khách hàng, người bệnh làm trung tâm trong việc chăm sóc sức khỏe, đồng thời không ngừng cập nhật kiến thức, kỹ thuật tiên tiến dựa trên y học chứng cứ để mang đến cho bệnh nhân và khách hàng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất thông qua sự chăm sóc phù hợp và tận tâm.

    Tìm hiểu thêm